Nga nói có đủ tên lửa để thực hiện nhiệm vụ ở Ukraine

09/05/2022 20:43 GMT+7

Phó thủ tướng Nga hôm 9.5 tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này có đủ tên lửa và đạn để thực hiện tất cả nhiệm vụ được giao, theo hãng tin Interfax.

Ông Borisov đưa ra tuyên bố trên trước khi Nga tổ chức cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng 9.5, và trong bối cảnh nước này đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hồi tháng 3, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Nga đang cạn kiệt đạn dược chính xác, theo Reuters.

Cũng theo Interfax, ông Borisov còn tuyên bố Nga đang phát triển tên lửa bội siêu thanh thế hệ mới có thể thực hiện các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển. Bộ Quốc phòng Nga ít nhất 3 lần tuyên bố các lực lượng nước này đã dùng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal, được phóng từ trên không, để tấn công những mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng 9.5 của Nga

reuters

Tại lễ duyệt binh để kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít trong Thế chiến 2, ông Putin nhấn mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là biện pháp cần thiết và kịp thời. Ông Putin nói rằng Nga đã đối mặt “hiểm họa hoàn toàn không thể chấp nhận” ở Ukraine.

Cũng trong bài phát biểu trên, Tổng thống Putin nói rằng binh sĩ và những người tình nguyện chiến đấu ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine đang chiến đấu cho tổ quốc của mình.

Hiện chưa có thông tin về phản ứng của phía Ukraine đối với tuyên bố trên của Tổng thống Putin. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đất nước ông sẽ chiến thắng và sẽ không nhượng bộ lãnh thổ trong cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky nhấn mạnh: "Con đường đến đó đầy khó khăn, nhưng chúng tôi tin chắc sẽ chiến thắng”.

Trong phân tích mới nhất về chiến sự ở Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh nói các cuộc phản công của Ukraine ở Kharkiv có thể đã buộc quân đội Nga phải tái triển khai lực lượng ở thành phố này, thay vì tăng cường các hoạt động tấn công đang bị đình trệ ở những nơi khác thuộc miền đông Ukraine.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu này, "Các lực lượng Nga có khả năng đang tập trung tại Belgorod để triển khai tới khu vực Kharkiv nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine tại khu vực này lan tới biên giới quốc tế".

Viện này cũng dự báo một trong số các khả năng là Nga có thể thay đổi tình trạng pháp lý của hai nước cộng hòa tự xưng mà họ đã công nhận - Donetsk và Luhansk, có thể nhập chung thành một và gọi là "Cộng hòa Donbass". Nga cũng có khả năng sáp nhập khu vực này như từng làm với Crimea.

Nga chưa bình luận về thông tin trên. Moscow ban đầu tuyên bố mục tiêu của họ là bảo vệ người nói tiếng Nga sống tại vùng Donbass, không có ý định chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh nhận xét rằng chiến dịch của Nga ở Ukraine đã cho thấy nhiều thiếu sót trong năng lực thực hiện không kích chính xác ở quy mô lớn của Nga.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến thăm Kyiv hôm 8.5

reuters

Phương Tây vẫn tiếp tục nỗ lực cấm vận kinh tế Nga. Các lãnh đạo của nhóm G7 cho biết họ sẽ đẩy mạnh việc cô lập Nga về kinh tế và tăng cường nỗ lực chống lại giới tinh hoa Nga. Họ cũng cam kết từng bước xóa bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, bao gồm cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Các thành viên trong nhóm cũng có những động thái mới. Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với ba đài truyền hình Nga, cấm công dân cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời xử phạt các lãnh đạo của ngân hàng Gazprombank.

Chính phủ Anh công bố lệnh trừng phạt thứ ba nhằm vào Nga, bao gồm việc áp đặt thuế nhập khẩu nặng đối với kim loại quý hiếm của Nga, cũng như cấm xuất khẩu một số sản phẩm của Anh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho hay nước này sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga "về nguyên tắc".

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố viện trợ thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine sau chuyến thăm Kyiv không báo trước ngày 8.5.

Liên quan đến viện trợ quân sự, Tập đoàn Lockheed Martin muốn tăng gấp đôi sản lượng tên lửa Javelin, trong bối cảnh giới chức Mỹ cảnh báo kho dự trữ cạn dần vì viện trợ Ukraine.

James Taiclet, CEO tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, hôm qua cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất xưởng 4.000 tên lửa chống tăng Javelin mỗi năm, tăng gần gấp đôi mức 2.100 quả/năm hiện nay. Tuy nhiên, quá trình tăng sản lượng có thể mất vài năm.

Trước đó, nghị sĩ Mike Gallagher, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết kho dự trữ tên lửa đang cạn dần vì Mỹ “đã dùng hết lượng tên lửa Javelin tích trữ trong 7 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.