Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay nói rằng những người dân tộc Armenia đang chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh không có gì phải sợ, theo AFP.
"Thật khó để nói bên nào chịu trách nhiệm (về cuộc di cư), không có lý do trực tiếp nào cho những hành động như thế. Tuy nhiên, mọi người vẫn bày tỏ mong muốn rời đi... những người đưa ra quyết định như thế phải được cung cấp điều kiện sống bình thường", ông Peskov nhấn mạnh.
Phía Armenia nói rằng đã có khoảng 70.000 trong số 120.000 dân số của Nagorno-Karabakh đã rời đi, sau khi lực lượng Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực này vào ngày 20.9 sau chiến dịch quân sự chớp nhoáng bắt đầu vào ngày 19.9.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho hay họ muốn người dân tộc Armenia ở lại Nagorno-Karabakh. "Chúng tôi kêu gọi cư dân Armenia không rời khỏi nhà của họ và trở thành một phần của xã hội đa sắc tộc của Azerbaijan", Bộ Ngoại giao Azerbaijan nhấn mạnh.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trước đó đã cảnh báo về "sự thanh lọc sắc tộc" trong khu vực và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.
Ông Pashinyan đã chỉ trích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không can thiệp khi Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng để giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Nga đã phủ nhận các cáo buộc.
Tại sao dòng người dân tộc Armenia lũ lượt rời Nagorno-Karabakh?
Chính quyền ly khai vùng Nagorno-Karabakh hôm nay đã đồng ý giải tán chính quyền của mình và chính thức trở thành một phần của Azerbaijan vào cuối năm nay, theo AFP.
Sau khi có thông báo trên, ông Peskov nói: "Chúng tôi đã lưu ý đến điều này và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân".
Vùng Nagorno-Karabakh ban đầu tuyên bố độc lập, ly khai Azerbaijan vào thập niên 1990, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, vùng đất ly khai này có cư dân đa số là người gốc Armenia và được chính quyền Yerevan hậu thuẫn.
Azerbaijan giành lại nhiều vùng tại Nagorno-Karabakh và xung quanh đó sau cuộc chiến năm 2020. Moscow đã triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình đến vùng Nagorno-Karabakh sau lệnh ngừng bắn năm 2020.
Bình luận (0)