Moscow chuẩn bị tấn công từ biển Đen ?
Theo Reuters, quân đội Ukraine cho biết Nga đã tăng gấp đôi số lượng tàu chiến hoạt động ở biển Đen ngày 24.2 và dự đoán đây có thể là bước chuẩn bị để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa.
"Ở biển Đen, hạm đội tàu chiến (của Nga) đã tăng gấp đôi về số lượng so với sáng nay - hiện là 8 tàu. Trong bối cảnh kẻ thù đang tiến hành các hoạt động trên không ở một mức độ nhất định, điều này có thể cho thấy một cuộc tấn công bằng tên lửa cũng như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đang được chuẩn bị", Bộ chỉ huy Quân sự miền nam Ukraine thông tin qua tài khoản Facebook.
Xem nhanh: Ngày 366 chiến dịch, Ukraine nhận xe tăng Leopard, ngóng M1-Abrams; Nga mất 50% đội T-72
Một trong số các tàu này là một khinh hạm được trang bị 8 tên lửa Kalibr, theo giới chức Ukraine. Cuối tuần trước, Ukraine cho biết Nga đã phóng 4 tên lửa Kalibr từ biển Đen, và 2 trong số các tên lửa đó đã bị bắn hạ.
Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại bán đảo Crimea, khu vực mà Moscow đã đơn phương sáp nhập năm 2014. Trong 1 năm xung đột vừa qua, hải quân Nga thường xuyên phóng tên lửa từ biển Đen, một phần trong nỗ lực phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, bao gồm hạ tầng năng lượng.
Tuy nhiên, Hạm đội Biển Đen của Nga cũng đã chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng. Tháng 4.2022, tàu tuần dương Moskva, kỳ hạm của hạm đội này, đã chìm ở biển Đen. Ukraine tuyên bố họ đã đánh chìm tàu này bằng tên lửa Neptune song Nga phủ nhận, nói tàu chìm sau một vụ hỏa hoạn khiến đạn dược trên tàu phát nổ.
Kế hoạch của 3 cường quốc châu Âu
Tuyên bố của quân đội Ukraine xuất hiện vào thời điểm mà cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong mùa xuân. Cùng lúc, tờ The Wall Street Journal đăng thông tin đáng chú ý về những động thái đang diễn ra ở châu Âu liên quan đến triển vọng hòa đàm giữa Moscow và Kyiv.
Binh sĩ Ukraine khen xe tăng Leopard 2 "như Mercedes"
Theo bài viết này, Pháp và Đức đã thể hiện sự ủng hộ đối với sáng kiến của Anh về một thỏa thuận giữa Ukraine và NATO trong tương lai, qua đó cho phép Kyiv tiếp cận thêm nhiều loại vũ khí và đạn dược tiên tiến để tự vệ một khi chiến sự kết thúc. Dẫn lời các quan chức ở 3 nước châu Âu này, tờ báo cho hay London, Paris và Berlin đều coi đây là cách để tăng cường lòng tin của Kyiv cũng như tạo động lực cho chính phủ Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga trong năm nay.
Cũng theo The Wall Street Journal, trong cuộc gặp ở Paris hồi đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông cần bắt đầu xem xét hòa đàm với Moscow. Theo ông Macron, ngay cả hai nước là kẻ thù không đội trời chung như Pháp và Đức cũng phải làm hòa sau Thế chiến 2, và ông Zelensky buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn.
Những tiết lộ trên củng cố nhận định rằng giới chính trị gia ở một số nước châu Âu ngày càng không tin Ukraine có thể đẩy Nga ra khỏi miền đông Ukraine cũng như bán đảo Crimea. Chính phủ các nước liên quan chưa lập tức bình luận về tường thuật của tờ The Wall Street Journal.
Mỹ có thể công bố thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc xem xét gửi vũ khí cho Nga
Mỹ nói gì về vai trò của Trung Quốc ?
Trả lời phỏng vấn đài ABC ngày 24.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc để Trung Quốc tham gia đàm phán ngừng bắn ở Ukraine "đơn giản là không hợp lý". Song ông Biden nói ông không nghĩ Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga, dù cảnh báo Washington sẽ "phản ứng" nếu Bắc Kinh thực sự làm vậy.
Theo The Wall Street Journal, tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đang xem xét việc cung cấp pháo và máy bay không người lái cho Nga. Nếu việc này diễn ra, những căng thẳng kéo theo có thể định hình mối quan hệ giữa phương Tây với Bắc Kinh trong nhiều năm, cũng như dẫn đến những hệ lụy sâu sắc trên chiến trường ở Ukraine. Bắc Kinh đã phủ nhận những cáo buộc này.
Bình luận (0)