Theo CNN, các thỏa thuận vừa đạt được giữa hai bên diễn ra trong chuyến thăm Nga tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), một quỹ đầu tư quốc gia đổ tiền vào cơ sở hạ tầng, năng lượng công nghiệp và nhiều ngành khác, cho biết sẽ lập một quỹ chung trị giá 68 tỉ nhân dân tệ, tương đương 10 tỉ USD. Số tiền sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển.
VEB, ngân hàng phát triển quốc doanh Nga, cũng ký thỏa thuận về khoản vay 15 năm trị giá 50 tỉ rúp, tương đương 850 triệu USD, với ngân hàng CDB để thành lập một quỹ đổi mới. RDIF và VEB là hai nhà băng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga vì vấn đề Ukraine. Cả hai ngân hàng đều bị cấm huy động vốn dài hạn tại Mỹ. VEB cũng chịu lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU).
Cố vấn Sean Kane của hãng Hughes Hubbard cho hay: “Vì các ngân hàng này chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, họ bị cắt đứt khỏi vốn từ phương Tây. Đây là mục đích của các lệnh trừng phạt, tức nhằm cắt đứt các tổ chức này khỏi tài chính dài hạn ở Mỹ và EU”.
Nga thu hút được nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc hơn kể từ khi bị áp đặt lệnh trừng phạt năm 2014. Nga ký hợp đồng cung ứng khí tự nhiên trị giá khoảng 400 tỉ USD đến Đại lục trong 30 năm hồi năm 2014. Trung Quốc từng từ chối ký thỏa thuận khí đốt với Nga trong nhiều năm vì không hài lòng với mức giá mà Nga yêu cầu. Chi tiết tài chính của thỏa thuận trên không được công bố, song nhà phân tích cho rằng nó có vẻ có lợi cho Đại lục.
Các quỹ đầu tư mới sẽ sử dụng tiền tệ của Nga và Trung Quốc, không dùng euro hay đô la Mỹ. Điều này giúp quỹ đầu tư tránh xa tầm với của Mỹ và châu Âu. Các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây không áp dụng cho Trung Quốc.
Theo PwC, mức đầu tư thực tế gần 11 tỉ USD trên rất nhỏ so với số tiền mà sáng kiến đầy tham vọng Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc cần. Theo phát kiến này, Trung Quốc sẽ đầu tư vào đường sắt, đường cao tốc và các dự án khác ở những nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Kazakhstan và Uzbekistan.
tin liên quan
Nga - Trung Quốc: Mối quan hệ kinh tế không cân bằngMặc cho các chuyến thăm thường xuyên và những thay đổi lớn về địa chính trị, sự hợp tác kinh tế sâu rộng Nga - Trung dường như vẫn có một khoảng cách vô hình.
Bình luận (0)