Thông tin bà Pelosi thăm Đài Loan không chỉ gây chú ý ở Trung Quốc mà còn đánh động dư luận nhiều nước trên thế giới.
Bà Pelosi gặp bà Thái Anh Văn sáng 3.8 ở Đài Bắc |
reuters |
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói bà Pelosi có quyền đi những nơi mà bà muốn. Một nhóm 26 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Mỹ đã cùng đưa ra tuyên bố ủng hộ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi đến Đài Loan, thể hiện sự đồng lòng giữa hai đảng tại Mỹ. “Trong nhiều thập niên, các thành viên quốc hội Mỹ, gồm Chủ tịch Hạ viện trước đây, đã đến Đài Loan. Chuyến đi lần này nhất quán với chính sách "Một Trung Quốc" của Mỹ mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi còn cam kết hơn bao giờ hết đối với toàn bộ thành phần của Đạo luật quan hệ Đài Loan”, tuyên bố của nhóm thượng nghị sĩ do lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell dẫn đầu nêu.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với chuyến đi này. Từ Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đều đã lên tiếng phản đối và đe dọa Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm. Phía Trung Quốc cũng triệu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản ứng.
Trung Quốc ra quyết định gì nhắm vào Đài Loan giữa chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi? |
AFP ngày 3.8 đưa tin một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng “hoàn toàn ủng hộ” quan điểm của Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích Washington “gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Theo đó, “sự can thiệp của Mỹ vào chuyện nội bộ của những nước khác và sự khiêu khích cố ý về chính trị và quân sự là gốc rễ gây rối cho hòa bình và an ninh trong khu vực”, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo của phát ngôn viên trên.
Thông cáo còn cho rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc. Ngoài ra, thông cáo ủng hộ phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của bà Pelosi, gọi đó là “quyền của một quốc gia có chủ quyền trong việc trả đũa”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là “sự khiêu khích rõ ràng”, đồng thời kêu gọi Washington “kiềm chế các hành động ảnh hưởng đến ổn định khu vực, an ninh quốc tế và công nhận thực tế địa chính trị mới”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ dẫn đến “gia tăng căng thẳng” trong khu vực. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng chúng tôi tuyệt đối đoàn kết với Trung Quốc, quan điểm đối với vấn đề này của họ là có thể hiểu được và tuyệt đối hợp lý”, theo ông Peskov.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu ngày 3.8 chỉ trích chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan có thể xem như “sự ủng hộ độc lập của Đài Loan và công khai thách thức nguyên tắc một Trung Quốc, ảnh hưởng ổn định ở eo biển Đài Loan”.
“Động thái như thế, đánh cược và coi thường tình trạng của hơn 20 triệu người ở Đài Loan là cực kỳ ích kỷ”, Đài CNN dẫn lời ông Lý viết trong thông cáo.
Tại Đài Loan, bà Pelosi nhấn mạnh phái đoàn của bà đến Đài Loan để làm rõ ràng rằng “chúng tôi không từ bỏ cam kết với Đài Loan”, đồng thời cho rằng tình đoàn kết giữa Mỹ và Đài Loan là vô cùng trọng yếu.
Tờ South China Morning Post dẫn lời bà Pelosi chia sẻ cụ thể hơn về 3 mục đích của chuyến công du. “Một là an ninh, an ninh cho người dân chúng ta và an ninh toàn cầu. Hai là kinh tế, chúng ta cần lan tỏa thịnh vượng tối đa. Và 3 là vấn đề điều hành”, bà phát biểu.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Bắc, Trung Quốc tập trận |
Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng việc quân đội Trung Quốc tập trận nhằm phản ứng chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan là “đáng quan ngại”. Trong cuộc họp báo, chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno cho hay chính phủ đã chuyển quan ngại về hoạt động quân sự trên đến phía Trung Quốc, đồng thời nhắc lại rằng Nhật hy vọng những vấn đề ở eo biển Đài Loan sẽ được giải quyết thông qua đối thoại, theo Reuters.
Ngày 3.8, trả lời câu hỏi phóng viên về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan. Đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới".
Bình luận (0)