Nga trục xuất viên chức ngoại giao Nhật Bản với cáo buộc làm gián điệp

27/09/2022 08:12 GMT+7

Nga ngày 26.9 nói họ đã bắt giữ một viên chức ngoại giao Nhật Bản tại thành phố Vladivostok vì thực hiện công việc liên quan đến hoạt động gián điệp và tuyên bố người này "không được chào đón".

Một viên chức ngoại giao Nhật Bản tại thành phố Vladivostok (ảnh) đã bị Nga bắt giữ và thẩm vấn

afp

"Một viên chức ngoại giao Nhật Bản đã bị bắt quả tang khi đang tiếp nhận thông tin mật, để đổi lấy tiền, về hợp tác của Nga với một quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", hãng tin TASS dẫn lại tuyên bố từ cơ quan an ninh Nga FSB.

Theo tuyên bố trên, viên chức ngoại giao Nhật Bản cũng đang tìm kiếm thông tin về "tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây" đối với khu vực Primorsky ở phía đông nước Nga.

FSB xác định viên chức ngoại giao này là ông Motoki Tatsunori, người đứng đầu bộ phận lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Vladivostok. Ông Tatsunori đã bị Nga tuyên là "person non grata" (thuật ngữ Latin trong ngành ngoại giao, có nghĩa là "người không được chào đón").

FSB đã bày tỏ sự phản đối với Tokyo thông qua các kênh ngoại giao. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết viên chức ngoại giao Nhật Bản đã được yêu cầu phải rời khỏi Nga trong vòng 48 giờ.

Phản ứng về vụ việc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Nga cho rằng việc Nga bắt giữ một lãnh sự để thẩm vấn là không thể chấp nhận được, vì động thái này rõ ràng vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự, theo hãng thông tấn Kyodo. Sứ quán cũng lên án việc Bộ Ngoại giao Nga yêu cầu ông Tatsunori rời Nga vì những lý do mà họ nói là không chính đáng.

FSB đã công bố một đoạn video ngắn mà họ nói là cho thấy viên chức ngoại giao Nhật Bản thừa nhận ông đã vi phạm luật pháp của Nga.

Nga coi Nhật Bản là một quốc gia "thù địch", giống như với tất cả các nước EU, Mỹ và các đồng minh bao gồm Anh và Úc.

Moscow và Tokyo đã trừng phạt lẫn nhau theo kiểu ăn miếng trả miếng và trục xuất các nhà ngoại giao của nhau kể từ ngày 24.2, khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Tokyo có quan hệ phức tạp với Moscow trước khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra và hai bên vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến 2

Những nỗ lực đi đến hiệp ước hòa bình giữa hai nước đã bị cản trở bởi tranh chấp lâu năm về các đảo do Nga kiểm soát, gọi là quần đảo Kuril, trong khi Nhật cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Lãnh thổ phương Bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.