Về lệnh trừng phạt kinh tế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một số chuyên gia kinh tế Nga có những bình luận trái chiều, được báo Sự thật Komsomol đăng tải.
Tiền lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà kinh tế Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ mất nhiều hơn được khi bị Nga áp cấm vận kinh tế - Ảnh: Reuters |
Đánh vào kinh tế không phải là giải pháp đúng đắn
Ông Vladislav Inozemtsev, giám đốc Trung tâm Xã hội hậu công nghiệp, cho rằng đánh vào kinh tế không phải là giải pháp đúng đắn cho cuộc khủng hoảng.
Theo ông Inozemtsev, với lệnh cấm vận thực phẩm, song song với lệnh cấm các tour du lịch, hạn chế giao thông hàng không và hàng hải, chính quyền sẽ gây thiệt hại không chỉ cho đối tác mà còn cho chính mình. Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU vào Nga đã dẫn đến việc không chỉ phải chuyển sang thị trường khác mà còn làm bùng nổ tình trạng sản xuất sản phẩm chất lượng thấp ở Nga. Lệnh cấm các chuyến bay thuê đã giáng đòn nặng vào nhiều nhà khai thác du lịch; tất cả các hạn chế mới nhất nói chung sẽ góp phần tiếp tục làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ.
Cần biết, kim ngạch thương mại hàng hoá và dịch vụ với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trong 1 tháng chiếm tới 7,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga năm 2014. Vì thế, lệnh trừng phạt không phải là giải pháp đúng cho cuộc khủng hoảng.
Nhưng điều nguy hiểm hơn nằm ở chỗ Nga không còn là quốc gia luôn hành động chủ động mà trở thành một nước chỉ biết “trả đũa”.
Nga đã tham gia chiến sự ở Syria, liên minh với các cường quốc khác trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm củng cố vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Nga hy vọng việc chung tay chống chủ nghĩa khủng bố sẽ khiến cộng đồng quốc tế xem xét lại lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, vậy tại sao lại ban lệnh trừng phạt láng giềng và đối tác để rồi tạo ra làn sóng phản đối mới? Theo ông Inozemtsev, Nga không nên trút giận một cách thường tình.
Trung Quốc có thể thủ lợi
Nhà kinh tế học Mikhail Delyagin nhận xét hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên cùng có lợi. Bây giờ Nga mất đi điểm nghỉ dưỡng giá rẻ thứ hai, sau Ai Cập. Khách du lịch Nga phải chuyển hướng tới Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, nhưng phải chịu giá tour đắt hơn. Dĩ nhiên cũng có những lĩnh vực có thể hưởng lợi, khi các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm hoạt động ở Nga, các công ty Nga sẽ có nhiều cơ hội làm ăn hơn.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa eo biển Bosphorus và không gửi những kẻ khủng bố đến khu vực Bắc Caucasus thì vẫn được Nga cung cấp khí đốt theo dự án Dòng chảy xanh. Nhưng có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được chọn làm cửa ngõ cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu, mà thay vào đó có thể là Đức.
Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Nga nhiều thực phẩm và hàng dệt may. Khi Thổ bị cấm vận, Trung Quốc và Việt Nam có thể sẽ chiếm thị phần mặt hàng này. Dĩ nhiên nhà nước có thể hỗ trợ phát triển sản xuất hàng dệt may nội địa, nhưng sản phẩm thiếu đa dạng và chất lượng không cao. Việc định hướng lại các doanh nghiệp có thể biến thành một thảm kịch.
60% lượng khí tự nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ được nhập từ Nga - Ảnh: Reuters
|
Thổ Nhĩ Kỳ mất nhiều gấp 5 lần so với Nga
Còn Tiến sĩ kinh tế Nikita Krichevsky thì ủng hộ cấm vận. Theo ông, trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là 18 tỉ USD, trong đó hàng hóa của Nga xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 15 tỉ USD, hàng Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga chỉ 3 tỉ USD. Nói cách khác, nếu chặn dòng giao dịch thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thiệt hại ít hơn 5 lần.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga là nguồn nhập khẩu số một. 60% lượng khí tự nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ được nhập từ Nga. Có thể nói, trong lĩnh vực cung cấp năng lượng cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Nga gần như nắm giữ thế độc quyền. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm đến nguồn cung cấp kim loại đen và kim loại màu cũng như nguồn vốn tài chính từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến các dự án đầu tư của các công ty tư nhân Nga vào nước mình. Chỉ một công ty dầu mỏ tư nhân Lukoil của Nga hiện kiểm soát 7% thị trường sản phẩm xăng dầu Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm người Nga còn mang lại cho ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ nguồn thu du lịch khoảng 10 tỉ USD và khoảng 4 - 5 tỉ USD mua sắm các sản phẩm địa phương khi đi nghỉ dưỡng tại đây.
Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là 44 tỉ USD, trong khi GDP năm đó của Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 800 tỉ USD. Nói cách khác, việc Nga quyết định chấm dứt tất cả các mối quan hệ kinh tế, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm 5% ngay lập tức. Năm ngoái, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tăng trưởng 2,9%, việc mất 5% GDP đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế ở mức khủng hoảng.
Bình luận (0)