Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa vụ Ankara bắn rơi máy bay Su-24 có thể gây ảnh hưởng không lớn đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quầy bán rau quả ở St. Petersburg. Nga áp lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, nông sản nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế bằng sản phẩm từ các nước khác - Ảnh: Reuters |
Mặc những bất đồng trong các vấn đề Ukraine và Syria, những năm gần đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng cường mối quan hệ thương mại song phương. Thế nhưng quan hệ đột ngột xấu đi sau khi chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria ngày 24.11, theo AFP.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận nước này; trong khi Moscow khẳng định chiếc Su-24 bay trong không phận Syria. Nga đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu Ankara xin lỗi, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ yêu cầu này.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định những biện pháp trừng phạt của Nga chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ “ở mức độ có giới hạn”, theo AFP. Chuyên gia kinh tế William Jackson thuộc công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) ước tính nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị thiệt hại tối đa 0,5% GDP/năm do biện pháp trừng phạt của Nga.
Du lịch
Ngay sau khi xảy ra vụ bắn hạ Su-24, Nga lập tức kêu gọi công dân nước này hủy kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ, gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các công ty du lịch Nga hủy bán các tour du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ do tuân thủ sắc lệnh của cơ quan quản lý du lịch liên bang Nga. Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, trung bình cứ 8 du khách nước ngoài thì có 1 người Nga.
“Có lẽ những biện pháp trừng phạt của Nga ảnh hưởng nhiều nhất đến Thổ Nhĩ Kỳ là ngành du lịch”, ông Jackson nhận định.
Năng lượng
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev không loại trừ khả năng biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bao gồm hủy hai dự án lớn với Ankara: đường ống dẫn khí đốt Turk Stream và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Thổ Nhĩ Kỳ hiện phụ thuộc lớn vào Nga về mặt năng lượng, với 55% tổng lượng khí đốt tự nhiên và 30% tổng lượng dầu mỏ là nhập từ Nga.
Mặc dù dự án Turk Stream và Akkuyu có nguy cơ bị hủy, nhưng hiện chưa có quan chức ngành năng lượng nào của Nga đề xuất ngừng cung cấp năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì động thái này có thể gây ảnh hưởng đến tập đoàn dầu khí Nga Gazprom.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại điện Kremlin, thủ đô Moscow (Nga) ngày 23.9.2015 - Ảnh: Reuters
|
Thương mại
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có tham vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại song phương từ 32 tỉ USD vào năm 2013 lên đến 100 tỉ USD vào năm 2023.
Theo số liệu từ văn phòng thống kê Nga, năm 2014 Nga xuất khẩu 24,5 tỉ USD hàng hóa, chủ yếu là khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, thép và ngũ cốc cho Thổ Nhĩ Kỳ, và nhập khẩu 6,7 tỉ USD hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà kinh tế học Lilit Gevorgyan, thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế IHS Global Insight (Mỹ), nhận xét đối đầu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “đẩy lùi nỗ lực kéo dài một thập niên qua nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược thương mại và năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Nga”.
Mục tiêu 100 tỉ USD giờ đây có lẽ là một giấc mơ xa vời, theo AFP.
Thực phẩm
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất sau khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU để đáp trả lệnh trừng phạt EU áp lên Moscow liên quan đến tình hình Ukraine. Thương mại song phương Thổ Nhĩ Kỳ - Nga tăng 19% (mức tăng thêm khoảng 4 tỉ USD) trong năm 2014, nhờ Nga nhập khẩu trái cây, rau và các loại đậu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich ngày 30.11 cho biết Nga sẽ cấm nhập khẩu trái cây và rau từ Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev cảnh báo những sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thay thế bằng những sản phẩm nhập khẩu từ nhiều quốc gia từ Iran cho đến Nam Phi.
Xây dựng
Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ có mặt rộng rãi trong các dịch vụ xây dựng ở Nga. Nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi lớn từ việc tham gia Thế vận hội Mùa đông ở thành phố Sochi (Nga) năm 2014, theo AFP. Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov ngày 30.11 cho biết các hợp đồng xây dựng ký kết với những công ty Thổ Nhĩ Kỳ trước 31.12.2015 sẽ được giữ nguyên, nhưng bất kỳ thỏa thuận mới nào sau đó sẽ phải được chính phủ thông qua.
Tuy nhiên, ông Shuvalov nhấn mạnh không có biện pháp trừng phạt nào được lên kế hoạch “trong giai đoạn này” nhắm vào hàng hóa công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận (0)