Ngã tư Bảy Hiền lao xao nắng...

09/11/2019 09:00 GMT+7

Ngày nắng tháng 11 ở phương Nam. Tôi ngồi quán cà phê góc phố ở ngã tư Bảy Hiền. Một cái tên được đặt theo thứ bậc rặt chất Nam bộ, khác với nhiều giao lộ ở Sài Gòn như ngã ba chú Ía, ngã ba ông Tạ...

Bước qua hai thế kỷ

Tôi đi qua ngã tư Bảy Hiền lần đầu tiên năm 1993, bữa đó xe qua nghe dặt dìu tiếng sáo của một người đàn ông mù lòa ngồi bên vệ đường. Tính thời gian cũng đã 26 năm, ai dè nơi đây gắn với cái tên của một ông điền chủ đã ngót nghét cả thế kỷ. Từ một ngã tư nhỏ được xem là ngoại ô phía tây bắc Sài Gòn, với những con người kiên cường trụ lại mảnh đất này, chủ yếu là từ xứ Quảng lưu tán vô. Thành ra một nơi sầm uất vào bậc nhất của Sài Gòn.
Buổi sáng cuối tuần, ngược xuôi xe cộ. Tôi cứ hình dung rằng nơi đây có thể đã từng in bước chân của nhà truyền giáo, đồng thời là nhà ngôn ngữ học - vị linh mục Alexandre de Rhodes, mà người ta thường gọi theo cách phiên âm là giáo sĩ A Lịch Sơn Đắc Lộ. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây gần 60 năm, vào năm 1961 nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà truyền giáo nổi tiếng này, một nguyệt san của các Đức Cha Thừa sai thuộc Dòng Tên tại Pháp dành riêng một số báo để tưởng niệm, đã ghi một câu vinh danh trang trọng như sau: “Khi cho VN các mẫu tự Latin, Alexandre de Rhodes đã đưa VN đi trước đến 3 thế kỷ”. Bây giờ, gần ngã tư này, đi xuôi về hướng QL1A một quãng, có một giáo xứ khá cổ và nổi tiếng, mang tên Đắc Lộ!
Cũng với tầm khoảng bán kính ấy, tính từ ngã tư Bảy Hiền, đi theo đường Hoàng Văn Thụ sừng sững một bùng binh lớn, vào hàng lâu đời ở Sài Gòn, đó là vòng xoay Lăng Cha Cả. Nơi đây vốn ngày xưa nhà Nguyễn dựng lăng để ghi nhớ công tích của giám mục Bá Đa Lộc, có địa danh cũ là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt. Thời điểm xây lăng là vào năm 1799, cách nay đã hơn 200 năm!

“Lên đời” thành chật chội

Có nhiều giai thoại quanh tên gọi ngã tư Bảy Hiền, song cho đến giờ nhiều người vẫn giữ và tin vào một câu chuyện, đó là có một vị đại điền chủ tên là Bảy Hiền sống cách đây đã ngót trăm năm ở vùng đất này. Vì sống ân nghĩa, phúc hậu và chuyên làm việc thiện nên bà con lưu dân đến mưu sinh ở miệt đất này lấy tên và thứ của ông đặt luôn tên cho ngã tư.
Trước năm 1975, theo thống kê hộ tịch, vùng Bảy Hiền có khoảng 6.000 - 7.000 dân, chủ yếu là người Quảng Nam vào sinh sống làm nghề dệt vải để cung ứng cho người Sài Gòn. Bởi thế, nên nay đến vùng này, đi vào các con hẻm vẫn nghe tiếng lách cách của máy dệt và lao xao tiếng rao món mì Quảng đặc trưng...
Chạy cách khoảng 3 km từ ngã tư, băng qua khu công nghiệp Tân Bình về hướng Củ Chi theo đường Trường Chinh, con đường được mở rộng năm nào nay đã chật như nêm. Cảnh kẹt xe thường xuyên xảy ra khiến người đi đường mỗi khi thoát ra được đoạn ngã ba mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa, cho đến ngã ba Âu Cơ, là thở phào vì đã có thể... bon bon về với ngã tư Bảy Hiền.
Câu chuyện mới hồi tháng 8 vừa qua, thành phố lên kế hoạch dự án mở rộng với quãng chiều dài khoảng 900 m đường Trường Chinh để tháo “nút thắt” cho dân đi về hướng trung tâm dễ dàng hơn, lại nghe bàn luận bên bàn cà phê sáng ấy rất... xôm tụ. Đó là, chỉ với chiều dài quãng đường ấy (từ ngã ba Cộng Hòa lên phía đường Âu Cơ), phải bỏ ra đến 2.147 tỉ đồng để mở rộng ra 60 m với 10 - 12 làn xe lưu thông. Nhưng một điều nghe rất... ngỡ ngàng là số tiền thi công xây dựng để mở rộng đường chỉ 100 tỉ đồng, mà tiền để đền bù dân có nhà cửa 2 bên đoạn này lên đến... 2.047 tỉ đồng!
Nghe cái sự loay hoay mở rộng tuyến đường huyết mạch này, tôi lại nhớ đến chuyện vào năm 1998, khi duyệt đề án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có vị phó chủ tịch thành phố đã ngửa mặt than rằng: “Từ sau này tôi sẽ không dám ký đề án mở rộng đường nào nữa!”. Là bởi tiền để xây dựng công trình thì rất ít, chỉ chiếm khoảng 1/10 tiền đền bù giải tỏa. Mà nay, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng đã và đang phải gánh chịu... vấn nạn kẹt xe!

Tấp vào lề và...mong ước

Khi tôi tấp vào lề vì bị kẹt xe sáng ấy, rồi cũng như bao lần lại nghĩ, thành phố vốn là nơi đất lành, vậy thì ngã tư ngã ba nơi đâu, quận nào chẳng bị kẹt. Bởi vì, vào khoảng năm 2010, khi thực hiện loạt bài TP.HCM và những hậu quả từ áp lực tăng dân số, tôi đã đề cập đến một điều “cốt tử”, là trong một thời gian quá dài, tầm nhìn chiến lược “giải vây” bằng cách xây dựng các cụm đô thị vệ tinh đã không được tính đến, thành ra mới tạo ra áp lực lên những tuyến đường huyết mạch, những ngã tư ngã năm như vậy.
Trong khi vẫn thiếu cầu vượt, thiếu đường sắt trên cao. Rồi nữa, một con số mới đây được công bố, là cứ 5 năm thì TP.HCM tăng thêm 1 triệu dân. Chỉ dừng lại trên giấy tờ thống kê, song thực tại là một sự chuyển động vô cùng lớn, nên hầu như trên đường mỗi ngày lưu thông đi về để sinh hoạt học hành làm việc, ai cũng đều ấp ủ một mong ước rằng, sẽ có một ngày những câu chuyện gây vất vả cho người đi đường sẽ không còn tồn tại!
Với không chỉ riêng tôi, điều ấy như một giấc mơ, mà những người sống và yêu mến thành phố này, ai cũng mong thành hiện thực!
Năm 1976, Q.Tân Bình (TP.HCM) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Q.Tân Sơn Hòa và Q.Tân Sơn Nhì (các địa danh hành chính do chế độ cũ lập), là quận lớn nhất về diện tích và dân số cho đến năm 2003 tách ra 2 quận Tân Bình và Tân Phú. Xung quanh trục xoay giao thông chính ngã tư Bảy Hiền, Q.Tân Bình có diện tích tự nhiên 2.238 ha, một quận năng động của TP.HCM. Quận có 15 phường, là cửa ngõ giao thương giữa các quận trung tâm TP.HCM với khu vực các quận huyện khu vực tây bắc. Triển vọng phát triển của các khu đô thị vệ tinh ở Q.12, và các huyện Hóc Môn, Củ Chi rất cần sự chuyển động về hạ tầng giao thông của các tuyến đường huyết mạch, trong đó đường Trường Chinh là một tuyến giao thông quan trọng kéo dài từ ngã tư Bảy Hiền lên đến QL1A.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.