Tình hình Niger vẫn căng thẳng sau khi các quân nhân nước này hồi tuần trước đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum. Sau đảo chính, những người ủng hộ chính quyền quân sự tại Niger đã tấn công Đại sứ quán Pháp, đốt quốc kỳ Pháp trong khi vẫy cờ Nga.
Cùng với những biến động địa chính trị trong khu vực, chính biến ở Niger cho thấy rõ hơn cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Moscow và phương Tây ở châu Phi nói chung và khu vực Sahel nói riêng.
Cuộc đảo chính ở Niger ảnh hưởng ra sao đến an ninh Mỹ
Ảnh hưởng của phương Tây suy yếu
Sahel là tên gọi dải đất nằm ở phía nam sa mạc Sahara, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía tây đến biển Đỏ ở phía đông châu Phi. Khu vực này thường xuyên chứng kiến bất ổn chính trị với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm thánh chiến, bị cho là có liên hệ với khủng bố trong những năm gần đây.
Phương Tây, đặc biệt là Pháp, "mẫu quốc" cũ của nhiều nước Sahel, đã cố gắng thiết lập ảnh hưởng tại đây thông qua cuộc chiến chống khủng bố. Binh sĩ Pháp đã đồn trú ở Mali từ năm 2013 và sau đó mở rộng phạm vi đóng quân sang các nước khác, bao gồm Burkina Faso, Niger, Mauritania và Chad, trong Chiến dịch Barkhane. Ở thời kỳ đỉnh cao của chiến dịch, Pháp có khoảng 5.100 binh sĩ đồn trú tại khu vực, theo bài viết đăng trên website của Carnegie Endowment for International Peace (CEIP, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ).
Song bất chấp những nỗ lực đó, Sahel vẫn là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới, với số vụ tấn công nhằm vào dân thường tại đây đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2017 - 2020, theo một phân tích được đăng bởi Viện Trung Đông (MEI, trụ sở tại Washington D.C). Hậu quả của khủng hoảng an ninh ở Sahel, đặc biệt là ở Mali và Burkina Faso, đã dẫn đến làn sóng "bài Pháp" tại khu vực.
Đảo chính quân sự ở Niger liên quan gì đến thế đối đầu phương Tây - Nga?
Quan hệ giữa Pháp với Mali và Burkina Faso đã xấu đi nhanh chóng sau các vụ đảo chính liên tiếp ở hai nước này trong giai đoạn 2020 - 2022. Sau gần một thập niên, Pháp rút quân khỏi Mali vào tháng 8.2022. Đến tháng 2.2023, Burkina Faso tuyên bố chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp ở nước này.
Mối quan hệ giữa Mỹ với hai nước Sahel nói trên cũng xấu đi đáng kể. Sau các vụ đảo chính, Washington đã đình chỉ quyền tiếp cận của Mali và Burkina Faso tại thị trường Mỹ, đồng thời thông qua luật cấm cung cấp hỗ trợ quân sự cho hai nước, theo CEIP.
Nga tranh thủ lấp khoảng trống
Việc người biểu tình vẫy cờ Nga và đốt cờ Pháp sau các vụ đảo chính ở Mali, Burkina Faso và Niger là dấu hiệu cho thấy Moscow đã phần nào thành công trong việc biến thất bại của phương Tây thành lợi thế của mình.
"Nga đang khai thác các cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh đang diễn ra, và trên thực tế, đang tiến hành "cuộc chiến không tuyên bố" với phương Tây ở Sahel", theo tạp chí The Africa Report.
Theo báo The Washington Post, kể từ ít nhất là năm 2018, công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga đã hiện diện ở Sahel để giúp trấn áp các cuộc nổi dậy. Tại Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Libya và giờ là Mali, tổ chức lính đánh thuê Nga đã hoạt động trên thực địa cùng với các lực lượng địa phương.
Các quan chức phương Tây cũng lo ngại rằng Wagner đang tìm cách thiết lập hiện diện ở Burkina Faso và Chad. Sau khi Pháp rút quân hồi đầu năm nay, Thủ tướng Apollinaire Kyelem de Tambela của Burkina Faso nói rằng Nga là "một lựa chọn hợp lý" để thay thế, dù Moscow chưa từng thừa nhận liên hệ với Wagner.
Kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Moscow đã cố gắng củng cố quan hệ với châu Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh ở St.Petersburg (Nga) mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ cung cấp miễn phí hàng chục nghìn tấn ngũ cốc cho các nước châu Phi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm 7 nước châu Phi từ đầu năm đến nay, bao gồm một số nước Sahel.
Mối lo uranium
Vụ đảo chính ở Niger đã khiến tài nguyên uranium của nước này được chú ý, theo The Washington Post. Niger là nước khai thác uranium lớn thứ bảy thế giới và là một trong những nguồn cung uranium chủ chốt của Liên minh Châu Âu (EU), trong đó Pháp là nhà nhập khẩu hàng đầu.
Sau vụ đảo chính tuần trước, chính quyền quân sự ở Niger đã tạm dừng xuất khẩu uranium sang Pháp, nơi uranium đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện hạt nhân rộng lớn. Paris đã lên tiếng bác bỏ lo ngại nhưng một số nhà phân tích cho rằng động thái của Niger có thể gây ra tác động ở cấp độ EU, buộc các chính phủ châu Âu phải xem xét lại việc tiếp tục trừng phạt Nga, một trong những nước xuất khẩu uranium lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)