Nếu chưa đi đảo Phú Quý, cũng chưa đến Maldives, bạn hãy hình dung Phú Quý là quần đảo hoang sơ với bãi cát trắng mịn, nước biển trong vắt có thể nhìn thấy san hô; hải sản bao la với giá "siêu rẻ".
Anh Thế Phan, đạo diễn phim tại TP.HCM, trong lần đi công tác đến Phú Quý đã mê mẩn nơi này, rồi quyết định đầu tư xây dựng một khu nghỉ tại làng chài trên đảo. Chỉ tay vào công trình đang xây dựng, anh Thế Phan cho biết trước đây, dự án đã có sẵn 15 phòng, nhu cầu du khách đến đảo Phú Quý ngày càng nhiều nên mở rộng thêm 7 phòng.
Còn anh Cát, cư dân trên đảo, kể: "Đảo có tên Phú Quý nhưng nổi tiếng là đảo nghèo. Thời gian gần đây, nhà nước đã quan tâm đầu tư hạ tầng khá đầy đủ, các đơn vị tư nhân cũng có mặt để khai thác du lịch. Từ ngày có du khách đến khám phá, đảo Phú Quý đã đông vui và tiện nghi hơn, nhưng vẫn còn nhiều nét hoang sơ".
Giới thiệu các địa điểm check-in tại đảo Phú Quý, anh Cát chia sẻ nhiều vị trí "hót hòn họt" mà giới trẻ, nhất là các cô gái thường hay khám phá, chụp hình như: dốc Phượt, bãi Nhỏ, vịnh Triều Dương, cánh đồng điện gió, đền thờ cá ông Vạn, đền thờ công chúa Bàn Tranh, dinh thầy Nại… Trong đó, đền thờ công chúa Bàn Tranh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Tương truyền, Bàn Tranh là công chúa xinh đẹp vì chống lệnh vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị đày ra đảo. Công chúa và một số tùy tùng, người hầu tâm phúc nơi hoang đảo, bắt đầu một sự sống mới. Họ dựng lều ngay dưới chân núi Cao Cát, thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải ngày nay, tiến hành phát quang cỏ dại, chặt cây rừng, dọn đất, tìm nguồn nước ngọt và giữ lửa để bắt đầu tạo dựng cuộc sống tự cung, tự cấp…
Đến ngày hôm nay, tại xã Long Hải, đảo Phú Quý, ngôi miếu cổ thờ công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina) đã được tu sửa, người dân địa phương gọi là miếu Bà Chúa. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 3 tháng giêng (âm lịch), người dân trên đảo Phú Quý lại tổ chức long trọng lễ hội Bà Chúa.
Trong những điểm tham quan trên đảo, ấn tượng hơn hết là cụm hồ cá Làng Dương. Nơi đây được người dân ví von gọi là "đấu trường La Mã" thu nhỏ trên đảo nhỏ vì trông giống đấu trường La Mã (Rome, Ý). Khác biệt chính là quần thể hồ cá Làng Dương hoàn toàn tự nhiên, không phải nhân tạo.
Đỉnh Cao Cát, ngọn núi cao nhất đảo với những vách đá phong hóa sừng sững. Tuy nhiên, không ít đôi nam nữ đã thử thách sự gan lì và kiên định, leo đến tận đỉnh để trải nghiệm và tạo ra những bức ảnh độc đáo hiếm gặp.
Đặc biệt, du khách không thể bỏ sót làng chài khu bờ kè Ngũ Phụng để ngắm hoàng hôn. Dân địa phương cho rằng, lên đỉnh núi Cao Cát ngắm cảnh hoàng hôn màu mận đỏ "nhấn chìm" cả bầu trời là tuyệt vời nhất. Ngoài ra, các phượt thủ hay những du khách trẻ thích len lỏi vào xóm chài, chụp hình mạo hiểm ở các mỏm núi đá cheo leo, dựng đứng giữa biển khơi…
Đã ra đảo thì không thể không nhắc tới biển. Biển Phú Quý xanh màu ngọc bích, trong vắt đến mức có thể nhìn thấy tận đáy. Du khách có thể thuê thuyền hoặc ca nô khám phá các cụm đảo nhỏ như: hòn Tranh, hòn Đen, hòn Đỏ, hòn Trứng, hòn Giữa…
Ra đảo Phú Quý, bạn nhất quyết không được bỏ qua "thiên đường hải sản". Ăn uống ở đảo rất rẻ, đặc biệt với số tiền khiêm tốn, bạn đã có thể thưởng thức hàng loạt món ngon giá cực cao ở đất liền như cua huỳnh đế, cá mú đỏ, tôm hùm đỏ tự nhiên, hàu đá, và cả món bò nóng Phú Quý. Chắc chắn những món hải sản tươi ngon sẽ rất khác biệt và khó quên đối với du khách.
Nếu nói về những mặt hạn chế trong chuyến đi này, đó là hành trình ra đảo khá vất vả. Mặc dù di chuyển bằng tàu cao tốc hiện đại an toàn nhưng không ít du khách bị say sóng, ảnh hưởng sức khỏe. Vào mùa này, lịch chạy tàu ra đảo chỉ có chuyến lúc 8 giờ 30, tuy nhiên vẫn có những điều chỉnh giờ khởi hành tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Thời gian di chuyển ra đến đảo từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng. Gió trên đảo khá mạnh và nắng rất gắt nên cần trang bị đầy đủ phụ tùng cần thiết. Hiện nay, giá tour trọn gói 2 ngày 1 đêm bao gồm cả buffet hải sản hoành tráng chỉ vào khoảng 3 triệu đồng/khách.
Bình luận (0)