Ngại làm hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia

09/09/2017 07:27 GMT+7

TP.HCM chỉ có 13 bảo vật quốc gia , con số quá khiêm tốn so với lượng hiện vật khổng lồ ở các bảo tàng. Tuy nhiên, không hề đơn giản để hiện vật được công nhận danh hiệu này.

4 năm vẫn… đợi hội đồng
Từ năm 2013, sau khi kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí được Thủ tướng ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tiếp tục triển khai làm hồ sơ cho bức tranh Thanh niên thành đồng của họa sĩ Nguyễn Sáng, người đứng đầu trong bộ tứ “Sáng - Nghiêm - Liên - Phái” của hội họa VN hiện đại để sớm được công nhận danh hiệu này.
Theo tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: Thanh niên thành đồng sử dụng chất liệu sơn mài, hoàn thành năm 1978. Bức tranh độc bản mô tả cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chiến tranh trong những năm 1960, phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại VN và hát vang những bài ca yêu nước, kêu gọi đình chiến, mong muốn được hòa bình. Bìa trái là hai lính Mỹ đứng quay lưng ra phía người xem, chân mang giày cao cổ, tay lăm lăm súng chĩa về phía đám đông. Để nhấn mạnh tinh thần bất khuất của thanh niên, trên mép tranh Nguyễn Sáng còn đề thêm hai từ tiếng Anh “Go home” và một từ tiếng Việt “Cút” rất đanh thép. TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Ý tưởng sáng tác về đề tài này được Nguyễn Sáng nung nấu và phác thảo năm 1967, lúc phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên sôi động nhất tại Sài Gòn gây xúc động mạnh nơi ông, nhưng mãi đến năm 1978 họa sĩ mới vẽ xong. Vì vậy, trong bức tranh, ông ghi rõ góc trên, bên trái Hnội Sgòn (1967 - 78) bên cạnh chữ ký của mình. Tác phẩm được tác giả chuyển nhượng cho Bảo tàng TP.HCM ngày 1.12.1980 với tên gọi Thanh niên thành đồng và sau này chuyển giao qua Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM theo quyết định ký ngày 16.8.2004 của Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM”.


Các tiêu chí hoàn thành bảo vật quốc gia đã khó khăn, việc thực hiện quá nhiều quy trình, hội đồng... lại phải tự chủ toàn bộ kinh phí nên các đơn vị ngại làm hồ sơ


TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM


Ngày 9.8.2017, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật và đề nghị xem xét công nhận bảo vật quốc gia đối với bức tranh này, trước khi thông qua Bộ VH-TT-DL và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để trình Thủ tướng.
Theo ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Để hiện vật được chọn là bảo vật quốc gia, phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Trước tiên, Hội đồng khoa học của bảo tàng thống nhất gửi hồ sơ đề nghị về phòng di sản văn hóa của Sở tổng hợp, với các báo cáo nghiên cứu khoa học đầy đủ và khả thi - không thì mất công, tốn của. Sau đó, đưa ra hội đồng thẩm định cấp Sở bỏ phiếu, nếu không đủ số lượng phiếu đồng ý cần thiết sẽ bị bác ngay”.
Rất ngại làm hồ sơ
Thực tế, dù mơ ước có bảo vật quốc gia và sở hữu nhiều hiện vật quý, nhưng các bảo tàng rất... ngại làm hồ sơ. Nguyên nhân đầu tiên là việc thẩm định, thông qua hội đồng trải qua thời gian quá dài mà trường hợp bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng là ví dụ điển hình.
Thủ tục nhiêu khê, đến khi hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, các bảo tàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để bảo vệ nghiêm ngặt, bảo quản với chế độ đặc biệt, trong khi toàn bộ phần kinh phí này nhà nước không chu cấp.
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nói: “Do áp lực về tài chính và trách nhiệm nặng nề khi hiện vật trở thành bảo vật quốc gia mà các đơn vị ít làm hồ sơ. Nếu chỉ là hiện vật bình thường thì không phải lo lắng nhiều nhưng khi đã được công nhận là bảo vật quốc gia, ngoài niềm tự hào là trách nhiệm vô cùng nặng nề. Bảo tàng phải có bảo vệ thường trực và camera giám sát 24/24 giờ. Nếu rủi ro mất mát hoặc xảy ra điều gì làm ảnh hưởng đến giá trị bảo vật thì... nguy to. Các tiêu chí hoàn thành bảo vật quốc gia đã khó khăn, việc thực hiện quá nhiều quy trình, hội đồng... lại phải tự chủ toàn bộ kinh phí nên các đơn vị ngại làm hồ sơ”.
Vì vậy, một số nơi ở tỉnh sau khi được công nhận bảo vật quốc gia đem cất ngay vào kho. “Bảo vật Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị xuống cấp, ẩm mốc khi báo chí lên tiếng, Bộ VH-TT-DL đề nghị chúng tôi phải bảo quản, khắc phục tốt nhưng không cấp kinh phí. Vì trách nhiệm chúng tôi vẫn phải thắt lưng buộc bụng hết sức mình để gìn giữ bảo vật”, ông Trịnh Xuân Yên cho biết.
Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với lãnh đạo Sở Du lịch và Bảo tàng TP.HCM vừa qua, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch - có đề nghị Bảo tàng TP.HCM nên “mượn tạm” vài bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để đa dạng thêm hiện vật, hấp dẫn du khách. Vì từ sau năm 1975 đến nay, qua 5 đợt xem xét công nhận, TP.HCM chỉ có 13 bảo vật quốc gia, trong đó Bảo tàng Lịch sử TP có tới 12 và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có 1 là bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc. Ngay cả một đơn vị dẫn đầu trong việc thu hút khách tham quan hiện nay của TP.HCM là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng không có bảo vật quốc gia nào.

Về tiêu chí để được công nhận bảo vật quốc gia, luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009 quy định: là hiện vật gốc độc bản; là hiện vật có hình thức độc đáo; là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.