Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán nên các khu xưởng trong làng Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội) trở nên bận rộn hơn ngày thường bởi các nghệ nhân đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm do khách đặt.
Tại một khu xưởng nhỏ trong làng, ông Phạm Việt Khoa (người có kinh nghiệm 40 năm làm gốm sứ) đang tạo hình cho sản phẩm có tên Dấu ấn rồng thiêng. Năm 2024 theo lịch phương Đông là năm con rồng hay còn được gọi là năm Giáp Thìn nên các nghệ nhân đã lấy biểu tượng này để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Theo ông Khoa, sản phẩm Dấu ấn rồng thiêng được lấy cảm hứng từ ấn "Hoàng đế chi bảo" từ thời vua Minh Mạng. Để tạo ra nó, 5 người thợ phải thay nhau đảm nhiệm từ phần tạo tác, lên khuôn, đến hoàn thiện phần thô, tráng men, nung rồi đến công đoạn vẽ vàng...
"Trung bình, mỗi người thợ sẽ phải mất từ 8 - 10 tiếng làm việc liên tục mới cho ra được 4 - 5 sản phẩm ấn vẽ vàng. Vì vậy, để kịp trả đơn hàng cho khách, chúng tôi phải làm tăng ca từ sáng tới đêm", ông Khoa nói.
Ông Khoa cho biết, trong các khâu làm ra sản phẩm, tạo hình từ đất sét là công đoạn khá quan trọng, làm sao để tạo sản phẩm có hình dáng đúng theo mẫu, rồng mang yếu tố Việt Nam chứ không nhầm lẫn sang nước khác.
Sản phẩm sau khi ra khỏi lò nung sẽ đi tới công đoạn được chờ đợi nhất là vẽ vàng. Người thợ thủ công sẽ sử dụng vàng pha dạng lỏng đi từng đường nét trên sản phẩm rồng, sau đó sẽ tiếp tục nung từ 6 - 8 tiếng để có được độ nổi bật, sang trọng.
Ông Nguyễn Văn Lực (chủ cơ sở sản xuất) cho hay sản phẩm Dấu ấn rồng thiêng có những yêu cầu đặc biệt. Đất sét phải lấy từ đất ở vùng đất thiêng tại Quảng Ninh, hòa với nước của sông Hồng, nhào nặn khéo léo dưới bàn tay của nghệ nhân tuổi Thìn để tạo nên sự linh thiêng tuyệt đối cho tác phẩm.
Nghệ nhân tạo hình rồng từ đất sét, đây là khâu quan trọng để cho ra sản phẩm rồng mang yếu tố Việt Nam
NGUYÊN QUANG
Bình luận (0)