Ngâm chân vào nước ấm để ngủ ngon

01/09/2009 17:39 GMT+7

Ngâm chân vào nước ấm chữa chứng mất ngủ là phương pháp chữa bệnh bên ngoài (ngoại trị pháp), thuộc phạm vi Dược dục liệu pháp (phương pháp tắm ngâm) của y học cổ truyền.

Chỉ riêng việc dùng nước ấm ngâm chân đều đặn vào buổi tối cũng có thể giúp cho bạn có được một giấc ngủ tốt hơn. Bởi lẽ, ở hai bàn chân có dày đặc các đầu mút thần kinh và các huyệt vị có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các cơ quan tạng phủ trong cơ thể. Dưới ảnh hưởng bởi độ ấm, áp suất của nước và tác dụng của chất thuốc, công năng của các tạng phủ, đặc biệt là hệ thần kinh, được điều hòa và cải thiện, khí huyết được lưu thông giúp cho cơ thể lập lại cân bằng âm dương, nhất là sự cân bằng giữa quá trình hưng phấn và ức chế của đại não, từ đó mà làm cho giấc ngủ có chất lượng hơn.

Theo dược học cổ truyền, gừng tươi có vị cay, tính ấm, có công dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi, giải trừ tà khí), ôn trung chỉ ẩu (làm ấm tỳ vị và cầm nôn), ôn phế chỉ khái (làm ấm đường hô hấp và giảm ho). Vậy nên, vị thuốc này thường được dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như phòng phong, kinh giới, ma hoàng, quế chi, tế tân, hành củ... để nấu nước ngâm chân giúp phòng chống cảm mạo phong hàn, viêm đường hô hấp, các bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp... do lạnh. Trong y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm vi chứng Thất miên và được chia làm nhiều thể khác nhau (như: tâm tỳ hư, đàm trệ, can khí uất kết, can thận âm hư...). Với những thể thuộc chứng hư hàn, ngoài biểu hiện mất ngủ còn kèm theo các biểu hiện như sợ lạnh, tay chân lạnh, hay bị cảm mạo, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, chậm tiêu, có cảm giác lạnh đau trong bụng và dọc sống lưng, đại tiện lỏng nát... thì việc dùng nước sắc gừng tươi ngâm chân để cải thiện giấc ngủ là hợp lý. Còn các thể bệnh thuộc chứng nhiệt thì phải dùng các vị thuốc khác mà không nên dùng gừng tươi hoặc giả nếu có dùng thì phải phối hợp với các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt.

Ths Hoàng Khánh Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.