Từ chiếc cột đá nổi tiếng
Cuộc khai quật mặt bằng chùa Dạm (H.Quế Võ, Bắc Ninh) của các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ kết thúc năm 2014. Nhưng sau đó, một cuộc nghiên cứu khác lại được tiếp tục. Đó là việc điều tra, tìm kiếm thông tin hình ảnh của nhà nghiên cứu tự do Đào Xuân Ngọc. Điều ông muốn là làm sao có thể hình dung rõ hơn về mặt bằng chùa Dạm, về bảo vật quốc gia - cột đá nổi tiếng chùa Dạm, về đế tháp từng được khai quật ở đây. Hơn hết, ông muốn biến các thành tố này thành điều gì đó có thể mắt thấy được, và dễ tiếp nhận.
Từ những khảo cứu của mình, ông Ngọc cho rằng cột đá chùa Dạm là kiến trúc tháp duy nhất của chùa Lãm Sơn (một tên khác của chùa Dạm), nằm ở nền hai của chùa. Trong khoảng thời gian từ năm 1094 đến trước năm 1105, công trình này đã bị đổ sụp. Do không thể dựng lại được một kiến trúc hoàn chỉnh như ban đầu, từ 1094 đến trước 1105, chùa đã được xây mới một kiến trúc tháp đất nung, chóp đá và tổ chức các nghi thức hành lễ Phật giáo ở nền khác. Chính vì thế mà kiến trúc tháp ở nền hai bị mất hình thái và chức năng ban đầu.
“Cột trụ đá chạm rồng ở tầng nền hai là một loại hình kiến trúc rất đặc biệt trong quần thể kiến trúc của chùa Dạm. Dấu vết kỹ thuật và bằng chứng khảo cổ học nêu trên cho thấy đây là cột trụ để nâng đỡ một công trình kiến trúc lục giác hoặc tứ giác ở bên trên, giống như mô thức xây dựng chùa Một Cột hiện nay”, ông Ngọc cho biết. Cũng theo phỏng đoán của ông Ngọc, cột đá chùa Dạm và chân đế tháp hiện tại đã tìm thấy chính là bộ phận của kiến trúc tháp duy nhất tại chùa Dạm.
Cấu trúc của cột trụ này cho thấy nó rất khác biệt về kiểu thức trang trí và có những chức năng khác nhau, tạo nên sự độc đáo riêng biệt của kiến trúc thời Lý. Trong đó, khối trụ hình chữ nhật bên dưới có thiết diện lớn, được che kín bởi các lớp đá tảng chạm hình sóng nước và hình núi có hình chóp ôm lấy thân trụ. Khối trụ tròn chạm rồng ở giữa là đoạn thắt trung gian, mang tính chất trang trí cho công trình. Phần trên cùng là khối trụ hình lục giác, trên thân và đỉnh trụ đục lõm các lỗ mộng 4 lớp để đặt khớp nối các cấu kiện. Chúng liên kết thành hệ thống giá đỡ cho một mặt sàn và bộ khung kiến trúc ở trên.
|
Một kiến trúc sống lại
KTS Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty 3Dart, đã bắt tay với ông Ngọc khi trao đổi về nghiên cứu chùa Dạm này. Theo đó, ông Phương phụ trách phần phục dựng hình ảnh 3D của kiến trúc một cột tại chùa Dạm. Bản dựng 3D chùa Dạm, kiến trúc một cột chùa Dạm, như một bộ phim tài liệu nhỏ dài gần 6 phút. Ở đó, các chi tiết chân tháp, cột đá, ngôi chùa phía cột đá được bóc tách chi tiết. Người xem nhờ đó hiểu hơn về cách các yếu tố này liên kết với nhau.
Ông Phương đã sử dụng việc scan hiện trạng để dựng lại kiến trúc không còn nguyên vẹn này. “Chúng tôi đã scan lại hiện trạng, đặc biệt là scan tháp đá chạm rồng và móng tháp vuông có trang trí hoa văn sóng nước. Việc scan được kết hợp bởi hai phương pháp là scan lidar và chụp nhiều ảnh để tính ra hình ảnh 3D. Khối 3D có được từ kết quả scan sẽ cho ra kích thước và độ sâu hình khối một cách chính xác. Đặc biệt, khối 3D này có thể chỉnh sửa trên các phần mềm chuyên dụng về 3D để là gốc cho việc phục dựng các chi tiết đã mất”, ông Phương chia sẻ.
Do việc phục dựng cần chi tiết, nhiều yếu tố cũng được bàn để quyết định thêm. Chẳng hạn, màu sắc của kiến trúc tháp một cột được thống nhất kế thừa từ cách phối màu của cha ông. “Chúng tôi thống nhất kế thừa từ cách phối màu của cha ông - ở đây là cách các cụ sử dụng màu sắc trong tranh Đông Hồ. Các màu sắc đó bao giờ cũng có độ trầm mặc nhất định dù có là xanh hay đỏ, hay tía. Bên cạnh đó, chúng tôi quyết định dựng ngôi tháp tại thời điểm tháp đã xây dựng được 5 - 8 năm. Do đó, tháp sẽ nhuốm màu thời gian. Như vậy sẽ đảm bảo được đúng thần thái của ngôi tháp”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, ông rất quan tâm đến điểm nhấn về hình thái kiến trúc trong một không gian kiến trúc. Kiến trúc một trụ đỡ thời Lý, theo ông Phương, là điểm nhấn đặc sắc của chùa Dạm. “Một công trình cao 14 m với hình thái như vậy mang lại sự khác biệt cho cả một quần thể kiến trúc. Hiện tại, chỉ có chùa Dạm với cột đá mới còn chút tàn tích để dựng lên kiến trúc một cột đó. Nó cũng là ngôi chùa thời Lý được đầu tư khai quật với quy mô lớn nhất từ trước tới nay”, ông Phương cho biết.
Bình luận (0)