Ngâm hóa chất biến thịt heo thành thịt nai, nhím…

17/11/2015 08:30 GMT+7

Không chỉ biến vú heo thối thành vú dê , quá trình điều tra nhóm PV Thanh Niên còn “bóc trần” một đường dây biến thịt heo thành thịt nai, nhím, đà điểu... rồi tung ra thị trường khắp cả nước.

Không chỉ biến vú heo thối thành vú dê, quá trình điều tra nhóm PV Thanh Niên còn “bóc trần” một đường dây biến thịt heo thành thịt nai, nhím, đà điểu... rồi tung ra thị trường khắp cả nước.

Kiểm tra kho thịt “đặc sản” giả tại cơ sở của ông Tài, bà Thu ở Q.Thủ Đức - Thịt heo được tẩm ướp, đóng gói thành thịt “đặc sản” (ảnh nhỏ) - Ảnh: Công Nguyên - Trác RinKiểm tra kho thịt “đặc sản” giả tại cơ sở của ông Tài, bà Thu ở Q.Thủ Đức - Thịt heo được tẩm ướp, đóng gói thành thịt “đặc sản” (ảnh nhỏ) - Ảnh: Công Nguyên - Trác Rin
Thịt nai, nhím… dỏm trở ngược lên Tây Nguyên
Sau nhiều ngày tìm hiểu các manh mối, chúng tôi phát hiện vào mỗi buổi chiều có một nam thanh niên chạy xe máy hiệu Wave BS 51L7-3287 chở thịt nhím, đà điểu, nai giao cho các xe khách tại khu vực Bến xe Miền Đông để đưa về Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai...
Các loại thịt “đặc sản” được đựng trong bịch ni lông đen, dán băng keo rất kỹ. Sau khi giao hàng, người này về lại căn nhà số 33 đường số 21, KP.4, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức để tiếp tục lấy hàng chở đi giao những điểm khác nhau.
Qua tìm hiểu, ngôi nhà trên được bà Thu sử dụng làm nơi chuyên sản xuất các loại thịt “đặc sản” như đà điểu, nhím, nai, heo rừng... Hỗ trợ bà Thu là ông Lê Minh Tài (chồng bà Thu). Cứ tầm 8 giờ mỗi ngày, xe chở hai thùng thiếc loại lớn đến giao thịt heo tại ngôi nhà này. Lập tức, 3 nhân viên cùng bà Thu sơ chế thịt heo rồi ngâm tẩm hóa chất và đưa vào tủ cấp đông.

[VIDEO] Ngâm hóa chất biến thịt heo thành thịt nai, nhím…
Thịt heo sau khi lấy từ tủ cấp đông ra được để vào từng túi in sẵn những dòng chữ: Sản phẩm từ nai (trang trại chăn nuôi Sóc Trăng); Sản phẩm từ đà điểu (trang trại chăn nuôi Củ Chi); thịt nhím… Phía trước nhà gắn rèm cửa rất lớn, mỗi khi sơ chế thịt, rèm được kéo lại để tránh sự chú ý của người dân xung quanh.
Ngoài ngôi nhà 33, bà Thu còn sử dụng nhà số 29 (cạnh đó) làm kho chứa hàng. Để đối phó với cơ quan chức năng, căn nhà 29 luôn khóa cổng bên ngoài.
Chiều 28.10, thanh niên chạy xe máy BS 51L7-3287 xuất phát từ nhà 33 chở những bịch “thịt nhím, nai, đà điểu” đi giao cho hai xe khách Đắk Lắk và Bình Định đang đậu tại khu vực Bến xe Miền Đông. Sau đó, người này quay trở lại nhà 33 tiếp tục lấy hàng đem giao cho ngôi nhà ở hẻm 216 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp.
Theo những người dân sống trên đường số 21, bà Thu sản xuất và buôn bán các loại thịt “đặc sản” từ lâu, hằng ngày có nhiều người đến giao và nhận hàng. Ông M. (lái xe khách) nhận vận chuyển thịt “đặc sản” của bà Thu để đưa về Bình Định cho biết: “Lâu nay người ta bỏ trong bao đen, cột lại thành từng cục và nói thịt nai, thịt nhím… đem đến gửi tôi chở về ngoài Bình Định rồi có người đến nhận. Tôi thấy thịt này ngoài quê bán chạy lắm, vô mấy cửa hàng hoặc trong tiệc cưới đều có các món từ các loại thịt này”.
“Đây là thịt nhạy cảm !”
Ngày 1.11, trong vai một chủ nhà hàng tiệc cưới tại Bình Dương, chúng tôi liên lạc với bà Thu để mua thịt “đặc sản”. Bà Thu khẳng định: “Chỗ tôi đảm bảo thịt nai, nhím, đà điểu được nuôi từ các trang trại nổi tiếng. Anh muốn lấy bao nhiêu cũng có, nếu ở Bình Dương sẽ có người giao tận nơi”.
Sáng 3.11, nhận tin báo của PV Thanh Niên, UBND P.Hiệp Bình Chánh thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở bà Thu ở số 33 đường số 21. Khi đoàn kiểm tra đến, bà Thu và các nhân viên đang sơ chế thịt dưới nền đất dơ bẩn. Trong nhà, bà Thu thiết kế riêng một kho lạnh dùng để cấp đông thịt. Có rất nhiều bao bì được dán nhãn “thịt đà điểu”, “thịt nhím”, “thịt nai”… và một chiếc máy dùng đóng gói. Đoàn kiểm tra phát hiện hai bịch ni lông bên trong có chất màu đỏ nghi hóa chất dùng để tẩm ướp thịt heo.
Các nhân viên đang sơ chế vú heo - Ảnh: Công Nguyên
Làm việc ban đầu với đoàn kiểm tra, ông Tài không xuất trình được giấy phép kinh doanh và những giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc số thịt nhím, đà điểu, nai đang có trong nhà. “Đây là thịt nhạy cảm! mong mấy anh giơ cao đánh khẽ cho em với. Còn chuyện gì nữa, anh em mình gặp sau”, ông Tài nói với đoàn kiểm tra.
Sau khi nhận tin báo từ UBND P.Hiệp Bình Chánh, lãnh đạo UBND Q.Thủ Đức lập tức chỉ đạo trạm thú y, quản lý thị trường, công an phường xuống hiện trường để phối hợp xử lý. Qua kiểm tra, trong kho, tủ lạnh tại nhà 33 và nhà 29 có tổng cộng 939 kg thịt được đóng gói dán nhãn “bắp đùi đà điểu”, 188 kg thịt được dán nhãn “thịt nhím cắt lát”, 626 kg với nhãn hiệu “thịt nai” và 132 thịt heo nguyên liệu.
Ông Tài thừa nhận, thực chất những thịt này là thịt heo, được mua ở chợ Bình Điền với giá 60.000 đồng/kg, đem về sơ chế, cấp đông rồi đóng bao bì, dán nhãn hiệu thành các loại “thịt rừng” để bán ra thị trường TP.HCM và các tỉnh, với giá 150.000 - 250.000 đồng/kg.
Tiếp tục làm giả sau khi bị kiểm tra
Theo điều tra của PV Thanh Niên, ngoài cơ sở tại P.Hiệp Bình Chánh, vợ chồng bà Thu ông Tài còn có một cơ sở tại số 1/33 đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh), do ông Tài trực tiếp điều hành. Cách thức sản xuất, phân phối thịt “đặc sản” cũng tương tự hai cơ sở tại Q.Thủ Đức.
Trưa 13.11, PV Thanh Niên tiếp tục phối hợp các cơ quan hữu quan kiểm tra cơ sở tại số 1/33 đường Bình Lợi (P.13, Q.Bình Thạnh). Đoàn kiểm tra phát hiện các nhân viên đang bỏ thịt heo vào một chiếc thau lớn, tẩm trộn với một loại chất màu đỏ; một kho lạnh trong nhà dùng để chứa thịt “đặc sản” thành phẩm. Tổng cộng, có gần 2 tấn thịt heo được sơ chế, cấp đông và đóng gói dán nhãn thành thịt nai, nhím, đà điểu bị phát hiện tại cơ sở. Ông Tài cũng thừa nhận hành vi vi phạm và tự nguyện viết đơn xin tiêu hủy tất cả lô hàng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.