Ngày 11.11 (nhằm ngày 18.10 Nhâm Dần), tại chùa Quốc Ân (P.Trường An, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), Tổ đình Quốc Ân đã tổ chức đại lễ khánh thành công trình trùng tu Đại hùng bảo điện, ngôi chính điện bằng kiến trúc gỗ của chùa do tổ sư Nguyên Thiều khai sơn, tạo lập từ cuối thế kỷ 17.
Toàn cảnh ngôi chánh điện chùa Quốc Ân sau khi được trùng tu |
Đào Minh Tuấn |
Chùa nằm dưới chân hòn Thiên (núi Bân) xứ Thuận Hóa do tổ sư Nguyên Thiều, hay còn gọi là Hoán Bích Nguyên Thiều, thuộc thế hệ thứ 33 của thiền phái Lâm Tế (quê ở Quảng Đông, Trung Quốc sang Đại Việt hoằng pháp) lập nên vào khoảng thời gian từ 1682-1684.
Ngôi chùa nhìn từ mặt bên sau khi được trùng tu tôn tạo |
Đào Minh Tuấn |
Phần nội điện ngôi chùa được trùng tu bằng kiến trúc gỗ tuân thủ nét xưa |
Hồng Hạnh |
Con giống trên bờ nóc được khảm sành sứ công phu |
Đào Minh Tuấn |
Tổ sư Nguyên Thiều sinh năm 1648, người Triều Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), xuất gia năm 19 tuổi, ở chùa Báo Tư, thọ giới với hòa thượng Khoáng Viên. Năm 1677, ngài đến Quy Nhơn (Bình Định) lập chùa Thập Tháp Di Đà, rồi ra Thuận Hóa lập chùa Vĩnh Ân (vào khoảng 1682-1684) và tháp Phổ Đồng, sau đó lập thêm chùa Hà Trung (cuối thế kỷ 17) thuộc H.Phú Vang.
Năm 1689, chúa Nguyễn Phúc Thái (1649 – 1691) chúa thứ 5 của nhà Nguyễn xứ Đàng Trong) đổi tên chùa Vĩnh Ân thành Quốc Ân, ban tấm biển “Sắc Tứ Quốc Ân Tự” nhằm ghi nhớ công ơn thiền sư sáng lập ra chùa.
Lễ cung nghinh chư tôn đức tham dự đại lễ khánh thành chùa |
Hồng Hạnh |
Ngài lập ra tông phái Thiền Lâm Tế, có ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo xứ Đàng Trong. Ngài viên tịch ngày 9.10 năm Mậu Thân (1728). Để lưu niệm, chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) đã đích thân viết bài ký và minh khắc trên bia đá gắn vào bình phong phía trong cổng tháp của ngài ở phía nam đàn Nam Giao.
Trước khi viên tịch, Ngài đã để lại cho đồ đệ bài kệ:
Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.
(Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không).
Lưu giữ nhiều bảo vật xưa
Chùa Quốc Ân là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời tại Huế, hiện vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay.
Chân dung Tổ sư Nguyên Thiều |
TL |
Trong đó, có nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay; có bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bi ký.
Dưới triều Nguyễn, chùa được xây dựng hoàn toàn bằng kiến trúc gỗ khang trang, chú trọng vào việc tạo tượng thánh, tượng Phật, tượng Bồ Tát, chư Tổ… Chùa Quốc Ân là ngôi chùa có kiến trúc gỗ đẹp nhất xứ Huế từ trước đến nay.
Chư tăng tham dự đại lễ khánh tạ Đại Hùng Bảo Điện chùa Quốc Ân |
Hồng Hạnh |
Trải qua thời gian, sự xâm hại của thời tiết khắc nghiệt, ngôi chùa đã xuống cấp và đã được thượng tọa Thích Minh Chơn, trú trì chùa hiện tại phát tâm trùng tu tôn tạo. Thượng tọa Thích Minh Chơn cho biết, việc tôn tạo, xây dựng Đại hùng bảo điện luôn tuân thủ và giữ được nét kiến trúc xưa, hoàn toàn bằng gỗ không có bê tông và là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo từ bao đời nay.
Công trình được xây dựng hoàn thành và khánh tạ đúng vào dịp đại lễ húy nhật ngài Nguyên Thiều, Tổ sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân; nên dịp này nhà chùa cũng đã đại lễ thỉnh Phật, Tổ an vị, trai tăng cúng dường, giải oan bạt độ, chẩn tế cô hồn nguyện cầu âm siêu dương thái, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Bình luận (0)