Ngậm ngùi vợ chồng ra tòa ly dị - Kỳ 2: 'Em ở nhà, để anh lo'

05/04/2016 10:46 GMT+7

Vì thương vợ, sợ mất vợ nên nhiều người chồng bắt vợ mình ở nhà, không cho đi làm, 'mọi thứ đã có anh lo'. Tiền bạc và chính điều này khiến nhiều người vợ phải xin ly hôn vì chịu không nổi kiểu yêu thương chiếm hữu.

Vì thương vợ, sợ mất vợ nên nhiều người chồng bắt vợ mình ở nhà, không cho đi làm, 'mọi thứ đã có anh lo'. Tiền bạc và chính  điều này khiến nhiều người vợ phải xin ly hôn vì chịu không nổi kiểu yêu thương chiếm hữu.

Yêu thương đến mức chiếm hữu là nguyên nhân khiến cặp đôi tan vỡ - Ảnh: ShutterstockYêu thương đến mức chiếm hữu là nguyên nhân khiến cặp đôi tan vỡ - Ảnh: Shutterstock
Những vụ ly hôn mà luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh và LS Huỳnh Công Thư từng tham gia hòa giải, có rất nhiều câu chuyện bi hài, nghe qua có vẻ rất đơn giản nhưng lại làm một gia đình chia ly.
Gắn camera theo dõi vợ
Mồ hôi nhễ nhại bước vào văn phòng luật sư giữa cái nắng chói chang của mùa hè, chị Thảo trải lòng: “Thực sự tôi chịu hết nổi”.
Bầu chọn
Theo bạn, nguyên nhân nào làm vợ chồng li dị?
Chị Thảo kể, từ những ngày vừa nhận lớp tại một trường trung học, với chút nhan sắc và nụ cười duyên, chị được rất nhiều thầy giáo trong trường để ý, trong đó có chồng chị bây giờ.
Trong cuộc sống gia đình, ý anh luôn là ý trời, chị không được quyền lựa chọn, lại càng không có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình.
Chưa dừng lại, tất cả mọi hoạt động của chị đều bị chồng giám sát. Chồng kiểm tra điện thoại chị mỗi ngày, chị muốn đi đâu cũng phải được sự đồng ý của chồng mới được phép. Thậm chí anh còn lắp camera ở nhà để theo dõi chị mỗi khi vắng nhà.
Sự chịu đựng tích tụ trong nhiều năm, đến một ngày vì quá ức chế, chị Thảo nói dối chồng là đi khám bệnh rồi tìm đến luật sư nhờ ly hôn.
Tôi là một nhà báo, chồng yêu tôi từ khi còn là sinh viên hẳn sẽ biết rõ công việc của vợ. Nhưng không, khi cưới nhau về anh bảo, anh là dân xây dựng, quanh năm đã đi rồi, thêm em cũng đi nữa thì ai chăm sóc con. Em nghỉ việc, ở nhà sinh con và quản lý cửa hàng vật liệu xây dựng cho anh. Tôi ở nhà được vài năm thì cuồng chân, quẫn trí… chỉ muốn thoát ra khỏi chiếc lồng chật chội này. Chỉ có ly hôn mới giúp tôi trở lại công việc vốn đã đam mê từ trong huyết quản. (Thủy T. – Hà Nội) - Xuyến Chi.
Tại phiên tòa sơ thẩm, anh chồng một mực không đồng ý vì cho rằng yêu thương vợ nên mới phải làm như vậy. Nhưng sau nhiều phiên tòa, anh cũng phải gật đầu đồng ý vì người vợ đã kiên quyết.
Tại trường, anh chị vẫn là những đồng nghiệp với nhau nhưng ai cũng tiếc nuối và tặc lưỡi khi nhắc về câu chuyện hôn nhân của hai người.
Thiếu tiền hoặc thừa tiền đều có tội?
Nhiều phiên tòa ly hôn làm cho những người chứng kiến phải thở dài vì những lý do tưởng như rất bình thường nhưng lại không có cách nào hàn gắn do để lại vết thương lòng quá sâu nặng.
Như câu chuyện của anh Lâm tại tòa án nhân dân quận Bình Thạnh khoảng 8 năm trước. Tại tòa, chị Thanh vợ anh bày tỏ: “Chồng không cho tôi đi làm vì nói rằng một mình công việc kinh doanh của anh có thể mang lại cuộc sống dư giả cho gia đình. Vậy nhưng anh không biết rằng, anh đi công tác suốt, mang rất nhiều tiền về mà không cho tôi sự quan tâm chăm sóc. Tôi như bị giam lỏng trong chính mái ấm của mình”.
Không khí phiên tòa hôm ấy trầm hẳn xuống khi nghe những lời trải lòng của chị Thanh. Có rất nhiều tiền, có xe hơi đưa rước, cuộc sống vương giả nhưng không có sự quan tâm chăm sóc của người bạn đời khiến chị Thanh muốn tìm đến một hạnh phúc mới, không giàu vật chất nhưng giàu tình cảm.
Anh Lâm cũng nghẹn ngào, chỉ vì sợ vợ dãi nắng dầm mưa khổ cực khói bụi nên mới không cho vợ đi làm. Nghe những câu nói của anh, hai hàng nước mắt chị cũng lăn dài trên má. Nhưng một mực chị vẫn muốn ly hôn.
Cưới trước 25 ly hôn nhiều
Một điều đáng chú ý là, những người kết hôn trước năm 25 tuổi có tỷ lệ ly hôn cao hơn rất nhiều so với những người kết hôn sau tuổi 25. Lý giải điều này, các luật sư cho rằng có thể trước tuổi 25, mọi người phát triển đầy đủ về thể chất nhưng chưa đủ kiên nhẫn và thiếu tính chịu đựng như những người lớn tuổi hơn.
Phiên tòa vừa kết thúc, anh Lâm thẫn thờ khi thấy chị ào ngay cổng, ngồi sau chiếc xe dream cũ kỹ người đàn ông mặc quần jean cùng chiếc áo sơ mi hơi nhàu.
Tất cả đã quá muộn màng…
Cũng phải nhìn vợ của mình đi theo một người đàn ông khác như anh Lâm, nhưng anh Minh chỉ thầm lặng ký vào đơn ly hôn và cúi gằm mặt xuống đất tại tòa.
Anh Minh là bị đơn trong phiên tòa hôm ấy. Phiên tòa diễn ra rất chóng vánh vì anh đồng ý ly hôn theo ý vợ mà không một lời phàn nàn.
Anh Minh kể, anh và vợ đều là dân miền Tây lên thành phố làm công nhân. Sau 6 tháng yêu nhau, anh chị tổ chức đám cưới đơn giản với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè thân thiết.
Một năm sau, vì đổ bệnh nên anh phải nghỉ 5 tháng ở nhà. Cũng là từng đó thời gian vợ lo liệu hết mọi khoản chi phí trong nhà. Đến tháng thứ 4 thì chị công khai đi cùng người đàn ông khác, sau đó chị dọn đồ bỏ đi mà không một lời từ biệt. Đến khi tòa mời lên, anh mới gặp lại vợ.
Hai câu chuyện khác nhau, nhưng lại rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Lo kiếm tiền mà không quan tâm chăm sóc nhau, hay thiếu tiền không đủ lo liệu cho chi phí hàng ngày cũng đều có thể dẫn đến kết cục là phiên tòa ly hôn.
Một điều đáng chú ý là, những người kết hôn trước năm 25 tuổi có tỷ lệ ly hôn cao hơn rất nhiều so với những người kết hôn sau tuổi 25. Lý giải điều này, các luật sư cho rằng có thể trước tuổi 25, mọi người phát triển đầy đủ về thể chất nhưng chưa đủ kiên nhẫn và thiếu tính chịu đựng như những người lớn tuổi hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.