Chiếc xe thồ "lên đời" làm bạn với cuốc xẻng
Bức ảnh chụp đoàn xe đạp thồ của lực lượng dân công chở lương thực, thực phẩm ra mặt trận chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm để "Bộ đội ăn no đánh thắng" năm 1954 đã mờ. Nhưng trong triển lãm Điện Biên Phủ - tinh thần bất diệt (Bảo tàng Lịch sử quốc gia mở cửa từ 25.4 - 30.6) người xem vẫn có thể nhìn thấy đoàn dân công với những chiếc xe kỳ lạ. Những chiếc xe đạp thồ này đã được "lên đời" để phục vụ công tác vận tải.
"Ghi đông xe được buộc một đoạn tre già và chắc, dài khoảng 1 m. Trục yên xe gắn thêm một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50 cm để giúp tăng sức chịu đựng của xe, vừa để cầm và giữ thăng bằng cho xe, vừa đẩy xe đi. Bánh xe được quấn thêm săm xe cũ, vải thừa, quần áo hỏng… làm tăng độ bền săm, lốp khi đi đường rừng núi gập ghềnh", chú thích của bảo tàng cho biết các bí quyết "lên đời" xe.
Cũng có những câu chuyện về xe đạp thồ khác được kể ở đây. Trong đó, chiếc xe đạp thồ kể trên được tôn vinh là "Vua vận tải" của chiến trường Điện Biên Phủ. Bảo tàng cho biết có gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Phương tiện này có những ưu điểm vượt trội như: không cần nhiên liệu, nhỏ gọn, dễ sửa chữa; có thể ngụy trang trong bất cứ tình huống nào hoặc dễ dàng ẩn nấp máy bay địch; di chuyển linh hoạt trên mọi con đường nhỏ, hẹp, mọi điều kiện thời tiết. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, xe đạp thồ có thể tải thương.
Những chiếc xe đạp thồ thô sơ có thể vận chuyển được khoảng 100 kg hàng hóa nhờ gia cố thêm một số bộ phận. Cộng với ý chí chiến đấu, xe và người cũng tạo nên kỷ lục thồ hàng. Đó là khi xe của ông Ma Văn Thắng (dân công ở Phú Thọ) có chuyến chở 325 kg hàng hóa phục vụ chiến dịch.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: "Để thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị T.Ư Đảng đề ra, suốt ngày đêm, nhân dân cả nước mở đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào trận địa; các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong phá rà bom mìn đảm bảo giao thông thông suốt để kéo pháo vào trận địa; các đoàn dân công vận chuyển lương thực phục vụ cho chiến dịch bằng mọi phương tiện, gồng gánh, xe đạp thồ, ngựa thồ...".
Nhưng không chỉ có lương thực, vũ khí cũng được "gánh gánh gồng gồng" vào chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần quyết chiến như thế, với những dụng cụ thô sơ như vậy. Tại triển lãm có những hình ảnh các chiến sĩ công binh gấp rút hoàn thành những cây cầu qua suối để vận chuyển lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến. Họ cũng xẻ đá làm đường kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 với cuốc chim, cuốc bàn, xẻng, cào. Những hiện vật cuốc, xẻng… này cũng được trưng bày.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Cuộc chiến của một dân tộc
Điện Biên Phủ - tinh thần bất diệt có nhiều tư liệu ảnh về những phút giây chiến trận. Đó là hình ảnh đơn vị xung kích do anh hùng Nguyễn Quốc Trị chỉ huy, tấn công sân bay Mường Thanh năm 1954; các đơn vị xung kích tấn công trên đồi A1 tháng 4.1954; bộ đội ta theo đường giao thông hào tiến công các cứ điểm của địch ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Các chiến sĩ anh nuôi bất chấp nguy hiểm mang cơm ra tận chiến hào phục vụ bộ đội chiến đấu trên mặt trận tháng 4.1954. Đó cũng là hình ảnh bộ đội ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm Sở Chỉ huy của quân Pháp ở Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954.
Tư liệu ảnh cho thấy cuộc chiến từ nhiều góc độ cho tới chiều ngày 7.5.1954, khi lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Quân đội nhân dân VN tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ có ảnh tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng ngày 7.5.1954. Trong trưng bày Điện Biên Phủ - tinh thần bất diệt còn có cả góc nhìn về Điện Biên Phủ của viên tướng Pháp. Theo đó, De Castries cho rằng: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc".
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiếc ghế, mảnh nắp hầm De Castries cũng được trưng bày như một minh chứng cho thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Chúng được bày cạnh những bức ảnh chụp nhân dân Pháp biểu tình phản đối thực dân Pháp kéo dài chiến tranh ở VN. Sau cùng, Điện Biên Phủ đã là chiến thắng của một dân tộc.
Vì thế, tại trưng bày có tư liệu ảnh ghi lại sự kiện ngày 21.7.1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân VN ký Hiệp định Genève. Pháp phải công nhận độc lập chủ quyền của nhân dân Đông Dương và rút quân về nước. Nhân dân Đông Dương tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất ở mỗi nước vào tháng 7.1956.
Bình luận (0)