Ngăn chặn biến tướng dạy thêm, học thêm

24/12/2016 08:01 GMT+7

Thay vì đưa ra lệnh cấm dạy thêm nhưng không hiệu quả, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên chấp nhận thu một mức học phí đủ bù chi kèm điều kiện minh bạch về chất lượng, thu chi, có sự quản lý, giám sát rõ ràng.

Nhà trường và gia đình cùng “tiếp sức” học thêm
Tại cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia về giáo dục phổ thông vào giữa tháng 12 vừa qua, vấn đề dạy thêm, học thêm lại “nóng” bởi nhiều băn khoăn, bức xúc của chính các chuyên gia “lão làng”.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét: “Chủ trương tốt đẹp từ xưa của các trường là phụ đạo học sinh (HS) yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi ngoài giờ chính khóa hiện đang bị biến tướng thành phong trào dạy thêm đồng loạt cho tất cả HS, bất kể đối tượng, nhu cầu… Tiền học phí chỉ mất vài chục nghìn/tháng thôi nhưng tiền học thêm mỗi môn là mấy trăm nghìn/tháng, cũng giáo viên đó, lớp học đó”.
Còn GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm ủy ban này, nói: “Tôi được biết không ít cháu phải học thêm 2 lần, học một lần cho thầy cô giáo ở trường “yên tâm” và lại phải đi tìm thầy cô thực sự giỏi ở bên ngoài để học cho mình. Như vậy thì không thể chấm dứt được nạn dạy thêm tràn lan”.

tin liên quan

Con mệt lắm, học thêm không nổi đâu!
Chạng vạng tối, tại một số trung tâm, lớp học thêm tại nhà ở TP.HCM, chúng tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ (bậc tiểu học) thật sự uể oải sau một ngày học chính khóa, lại cắp sách đi học thêm...

Nhìn dưới góc độ phụ huynh, PGS Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra nhận định: “Tôi biết phụ huynh đều rất quan tâm đến việc học của con. Chúng ta không tiếc tiền và công sức đầu tư cho con cái. Nhưng hãy xem chúng ta đã đầu tư cho con mình thế nào? Những thứ đang diễn ra khiến tôi nghĩ đến nền giáo dục cưỡng bức. Tôi liên tưởng đến người nghệ nhân làm cây cảnh đã biến một cây non thành cây cảnh có hình dạng xù xì cho đáng giá thế nào. Người ta uốn nó để hình dạng được như ý nhưng người ta quên mất nó không phải là cây tự nhiên nữa. Vì thế, nó đã không còn là chính nó, với tên họ và những phẩm chất mà nó được tự nhiên ban cho”.
Tại một cuộc chia sẻ kinh nghiệm dạy con mới đây với phụ huynh ở Hà Nội, bà Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ Đỗ Nhật Nam, cũng chia sẻ cảm giác xót xa và lo lắng khi chứng kiến cảnh các HS tiểu học mà đã phải học thêm quá nhiều và quá vất vả. Cả ngày, cả tuần học trên lớp mệt phờ nhưng bố mẹ lại không cho nghỉ ngơi mà chở đến lớp học thêm với bữa ăn vội ngay trên xe gắn máy...
Là người nghiên cứu về tâm lý học, bà Điệp cho rằng khoa học đã chứng minh trẻ em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học là “giai đoạn vàng” cần được có thời gian gần gũi và trò chuyện với bố mẹ để giúp kích thích sự phát triển tư duy cũng như cảm xúc.

tin liên quan

Biện pháp ngăn dạy thêm, học thêm tiêu cực
UBND TP.HCM vừa có báo cáo cụ thể tình hình thực hiện về quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm và đưa ra các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tiêu cực.

Các giải pháp ngăn biến tướng
GS Đào Trọng Thi cho rằng không thể cấm hoàn toàn dạy thêm. Vấn đề đặt ra là phải ngăn chặn được tình trạng biến tướng của hoạt động này như hiện nay thì dạy thêm mới không tràn lan nữa.
GS Thi nêu giải pháp: nhà trường không được tổ chức dạy thêm vì nhà trường mà tổ chức dạy thêm thì phụ huynh, HS phải nghe theo dù có ký tự nguyện hay không. Giáo viên cũng không được dạy thêm HS chính khóa của mình, nếu đã dạy thì rất khó tránh hiện tượng thiên vị. Cơ sở dạy thêm phải độc lập với nhà trường giống ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc họ vẫn dạy thêm nhưng người ta có trung tâm dạy thêm độc lập với nhà trường, có đội ngũ quản lý, giáo viên, chương trình riêng… Như thế mới không bị biến tướng.

tin liên quan

Ai gây áp lực học hành?
'Nếu có 3 điều ước bạn sẽ ước gì? Tui chỉ cần ước một điều thôi. Ước gì chết để khỏi phải học...', đó là mẩu hội thoại mà chị Ng.Ng.N (phụ huynh có con đang học lớp 6 tại Q.1, TP.HCM) nghe con mình nói với bạn.

Bà Trần Thị Tâm Đan thì lại đặt vấn đề: “Tại sao đằng nào dân cũng phải đóng bằng ấy tiền mà sao nhà trường không đứng ra quản lý cho minh bạch đàng hoàng? Hiện nay tôi được biết, có trường giáo viên muốn được dạy thêm thì cũng phải được hiệu trưởng ưu ái, như vậy là ngay trong giáo viên cũng phải “chạy”. Tôi nghĩ những thứ như thế phải được “dọn dẹp” trong nhà trường. Tôi mong có sự quản lý minh bạch, công khai. Đừng thu một khoản học phí quá thấp, không đủ bù lương cho giáo viên rồi để họ tìm mọi cách dạy thêm để bù vào. Thay vì danh nghĩa chỉ thu 40.000 - 50.000 đồng nhưng phụ huynh phải nộp tiền học thêm thì công khai thu mấy trăm nghìn nhưng nhà trường phải quản lý, phải minh bạch, giáo viên cũng có thêm thu nhập mà tinh thần thoải mái hơn”.
Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thu Huyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, cho rằng với giáo dục, nhà nước đảm bảo ở mức tối thiểu, mức cơ bản còn gia đình, địa phương nào có nhu cầu khác thì chúng ta phải đưa ra một danh mục các dịch vụ mà nhân dân có khả năng chia sẻ kinh phí với nhà nước. Nhà trường có thể công khai cho phụ huynh, HS biết về dịch vụ dạy thêm với giáo viên, thời gian, chi phí học tập trên cơ sở giáo viên phải đảm bảo định mức giảng dạy theo quy định của nhà nước ở giờ dạy chính khóa. Làm như vậy, theo bà Huyền, phải có hội đồng trường hoạt động thực sự để công khai, minh bạch các hoạt động tự chủ của trường. “Chúng ta còn ngăn cấm thì còn biến tướng”, bà Huyền khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.