Vụ khống chế con tin xảy ra vào ngày 17.4 tại Nghệ An là một dẫn chứng mới nhất cho sự nguy hiểm khi người nghiện ma túy gây án, bởi theo thông tin ban đầu thì thủ phạm hành động liều lĩnh do đang phê ma túy.
Vụ khống chế con tin xảy ra vào ngày 17.4 tại Nghệ An là một dẫn chứng mới nhất cho sự nguy hiểm khi người nghiện ma túy gây án, bởi theo thông tin ban đầu thì thủ phạm hành động liều lĩnh do đang phê ma túy.
Nhiều năm qua, dù lực lượng chức năng gặt hái không ít thành tích trong việc phòng chống mua bán trái phép ma túy, nhưng vấn đề người nghiện vẫn tồn tại như một thách thức lớn cho xã hội.
Mới đây, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội TP, đã phải cảnh báo: “Đừng để người nghiện là nỗi ám ảnh”. Cảnh báo đó hoàn toàn hợp lý, bởi thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), vừa qua khẳng định: “Có đến 60% các vụ phạm pháp hình sự là do con nghiện gây án”.
Tình trạng người nghiện gây ảnh hưởng trị an gần đây còn nổi lên hiện tượng những kẻ “ngáo đá” (phê ma túy đá) liên tục có nhiều hành động thiếu kiểm soát, đe dọa tính mạng những người khác.
Bằng chứng là thời gian qua liên tục xảy ra tình trạng người “ngáo đá” chém, truy sát những người xung quanh mà không cần lý do. Những thực tế đó cho thấy ma túy đá đang lan rộng, nhất là khi loại chất kích thích này có giá rẻ hơn trước kia.
Không chỉ gây ra tình trạng nghiện lan rộng, ma túy đá giá rẻ còn bị cho là chứa nhiều tạp chất có thể tổn hại hệ thống thần kinh, dẫn đến nhiều hành vi mất kiểm soát. Đặc biệt, giới tội phạm giờ đây còn có cả “lò” pha chế ma túy đá để bán cho con nghiện. Cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng Công an TP.HCM đã triệt phá một cơ sở chế biến ma túy đá quy mô lớn.
Qua đó, chúng ta có thể khẳng định tệ nạn ma túy và người nghiện đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Thậm chí, nếu không sớm có những chương trình hành động hiệu quả thì ma túy và người nghiện có thể trở thành một thứ “đại dịch” đe dọa sự ổn định của xã hội.
Chính vì vậy, có lẽ đã đến lúc VN cần một chương trình hành động tầm quốc gia để giải quyết vấn đề tệ nạn ma túy và người nghiện, như nhiều nước đã thực hiện. Trong chương trình hành động, cần có một kế hoạch trấn áp toàn diện, trên quy mô lớn nhằm vào các băng nhóm buôn bán ma túy trái phép. Xem xét điều chỉnh luật để tăng mạnh hình phạt đối với loại tội phạm này.
Song song đó là xem xét lại các mô hình cai nghiện, thay đổi phù hợp thực tế. Cụ thể, cần sớm giải quyết những rào cản để nhanh chóng triển khai cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp cần thiết. Không thể lơi lỏng những đối tượng có nguy cơ cao.
Đối với mô hình cai nghiện tại nhà và cộng đồng, cần có những biện pháp tăng cường giám sát, theo dõi và tư vấn. Chúng ta có thể tham khảo chương trình LEAD mà nhiều bang của Mỹ đang áp dụng bằng cách tổ thức phối hợp giữa cảnh sát, đại diện cơ quan tư pháp và các nhóm hoạt động xã hội để tư vấn, định hướng, kiểm soát người nghiện. Chương trình này đang giúp Mỹ có thể giải quyết hiệu quả hơn tình trạng nghiện rồi tái nghiện.
Chỉ khi nào có được nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả thì mới hy vọng ngăn chặn nguy cơ “đại dịch” ma túy.
Bình luận (0)