Theo dự kiến, ngày 29.6 tới, tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ngăn chặn hành vi sử dụng dao làm công cụ gây án
Một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm, đó là dự thảo đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này; vũ khí thô sơ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Bày tỏ sự đồng tình khi thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) dẫn số liệu từ Bộ Công an cho thấy, trong tổng số hơn 28.000 vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án thì có đến 58,6% đối tượng sử dụng các loại dao.
Trên thực tế, thời gian qua, rất nhiều nhóm thanh thiếu niên lập các băng nhóm, đêm khuya nẹt pô, vác theo dao phóng lợn (dao tự chế gắn vào tuýp sắt), sẵn sàng gây án ngay…, gây hoang mang dư luận.
Ông Thắng cho rằng, nếu như quy định hiện hành, cơ quan chức năng không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, quy định như dự thảo là cần thiết, nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sử dụng dao là công cụ gây án.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) nêu thực tế về tình trạng hoán cải, tự chế các loại dao để sử dụng làm công cụ phạm tội. Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có nêu một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm (trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn) để làm tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không xử lý được các trường hợp trên về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vì không quy định dao là vũ khí. Điều này đòi hỏi cần bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Không chấp nhận việc sử dụng dao gây nguy hiểm cho người khác
Chủ tịch nước Tô Lâm khi phát biểu thảo luận tại tổ cho biết, khác với các nước, xã hội của Việt Nam an toàn, không có súng, các loại vũ khí, công cụ đe dọa, gây mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào.
Nhiều lãnh đạo các nước, khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam đều thấy xã hội Việt Nam rất an toàn. Khách nước ngoài, lãnh đạo có thể đi bất kỳ đâu. Khách du lịch đi đêm đi ngày không bị đe dọa. Người dân cũng vậy, không bị ai bắt nạt.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, có lúc hình thành băng này, nhóm kia đe dọa lẫn nhau bằng dao, các loại công cụ khác mà hiện nay chúng ta chưa quản lý được do chưa đưa vào danh mục vũ khí.
Báo cáo của cơ quan soạn thảo nói rất rõ, các vụ đâm chém nhau có tỷ lệ lớn, chủ yếu dùng dao. Trong khi đó, chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó.
Chủ tịch nước nhận định, việc này xử lý chỉ là một phần, cái chính là tuyên bố của chúng ta không chấp nhận việc sử dụng dao với mục đích đe dọa, gây nguy hiểm cho người khác.
"Bây giờ bảo là dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động bình thường thì đúng là bình thường. Nhưng có trường hợp đi cả hàng chục người, ông lại có dao, mã tấu để trong cốp xe, rồi hàn những loại có cán thì không thể nói đây là tôi đi phục vụ sản xuất gì được", Chủ tịch nước Tô Lâm phân tích.
Chủ tịch nước khẳng định, những loại dao, công cụ như vậy là nghiêm cấm, kể cả lưu giữ, không được sử dụng. Đồng thời, dao không phải là vật liệu nổ hay vũ khí giết người, mà còn để phục vụ cho sản xuất, phục vụ đời sống, do đó dự thảo đã có quy định nhằm vẫn đảm bảo điều kiện cho hoạt động hàng ngày của người dân.
Tính răn đe rất cao
Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo, đó là bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng trong các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.
Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (đoàn Đắk Lắk) cho hay, thời gian qua, nhiều đối tượng sử dụng các loại súng tự chế gây án, có những vụ chết người.
Mặc dù tính chất nguy hiểm như vũ khí quân dụng, thế nhưng theo quy định hiện hành thì loại vũ khí này lại không phải là vũ khí quân dụng, vì thế chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Ủng hộ đề xuất trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (đoàn Đồng Nai) nhận định việc hoàn thiện các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chính là điểm mấu chốt trong dự thảo luật.
Ông Quang dẫn chứng, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra hơn 28.000 vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; phần lớn liên quan súng săn, vũ khí tự chế, dao…
Điều này cho thấy, vũ khí quân dụng đang được quản lý rất chặt, nên việc tiếp cận, sử dụng để gây án là rất hạn chế. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối cũng đặt ra trong phòng, chống tội phạm, đó là phải điều chỉnh quy định đối với các loại phương tiện như súng săn, đạn ghém, dao.
Theo ông Nguyễn Sỹ Quang, thực tế trong các vụ án giết người, cướp, cố ý gây thương tích…, cơ quan tố tụng chủ yếu xử lý về các tội danh này, chứ các hành vi liên quan đến vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ là rất ít.
Tương tự, nhiều địa phương đều có những lực lượng tuần tra hỗn hợp để đấu tranh với tội phạm đường phố, ví dụ như 141 của Hà Nội. Các lực lượng này đang hoạt động rất hiệu quả, nhưng bất cập ở chỗ nếu phát hiện đối tượng mang mã tấu hoặc dao đi chuẩn bị "thanh toán" nhau thì cũng rất khó xử lý.
"Nếu chúng ta thông qua dự án luật này và có những điều chỉnh khái niệm về vũ khí, đối tượng ngoài bị xử lý về tội giết người, đồng thời có thể bị xử lý về tội sử dụng hoặc vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí quân dụng, tính răn đe của nó rất cao", ông Quang nhận định.
Đồng thời, quy định như dự thảo sẽ góp phần kéo giảm tội phạm, nhất là những "cái đầu nóng" hoặc đối tượng xấu, có tiền án, tiền sự luôn luôn thủ mã tấu, dao, vũ khí tự chế trong người, khi phát sinh mâu thuẫn thì trở thành tội phạm ngay.
Bình luận (0)