Ngăn chặn hiểm họa xe chở thép cuộn

17/06/2022 06:02 GMT+7

Thời gian qua, nạn xe ô tô vận chuyển cuộn tôn, cuộn thép... chằng buộc không an toàn dẫn đến tai nạn giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh bất an cho người đi đường.

Về thực trạng trên, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM xung quanh biện pháp xử lý cũng như giải pháp về thực trạng này.

Lực lượng CSGT ra quân xử lý các xe chở cuộn tôn, cuộn thép

Bích Ngân

6 tháng xử lý 17 trường hợp

Thưa ông, vì sao PC08 lập kế hoạch chuyên đề xử lý nghiêm đối với phương tiện vận chuyển cuộn tôn, cuộn thép không đảm bảo an toàn?

Thời gian qua, một số phương tiện chở cuộn sắt gây ra tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM, nguyên nhân chính xuất phát từ việc chằng buộc không chắc chắn, khi phanh (thắng) đột ngột, theo đà hàng hóa rơi xuống đường.

Từ ngày 5.1, PC08 bắt đầu ra quân thực hiện chuyên đề xử lý xe vận chuyển hàng hóa là cuộn thép, cuộn tôn không đảm bảo an toàn. Qua công tác tuần tra, kiểm soát tại đường Nguyễn Văn Linh, đường Huỳnh Tấn Phát

(TP.HCM)... các đội/trạm thuộc PC08 đã xử lý 17 trường hợp chở cuộn thép, cuộn tôn không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn.

Trước thực trạng đó, PC08 đã chỉ đạo lực lượng CSGT ra quân xử lý tập trung các xe chở cuộn tôn, cuộn thép. Trong 6 tháng đầu năm 2022, PC08 đã xử lý 17 trường hợp xe tải, xe container vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn.

Dựa vào quy định pháp luật hiện hành nào để xử lý phương tiện chở cuộn tôn, cuộn thép không đảm bảo an toàn? Nếu có thì theo ông mức xử phạt này có đủ sức răn đe, giáo dục?

Việc chằng buộc hàng hóa chắc chắn đã được quy định tại Khoản 1 Điều 20 luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn”. Trường hợp vận chuyển hàng không chằng buộc chắc chắn sẽ bị xử phạt lỗi “Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn”, bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng. Nếu vi phạm hành vi trên mà gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng, tước GPLX từ 2 - 4 tháng.

PC08 cho rằng hành vi “Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn” bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng là chưa đủ răn đe, giáo dục. Ngoài mức xử phạt hành chính này, cơ quan chuyên môn cần quy định hình thức phạt bổ sung tước GPLX đối với người điều khiển phương tiện; buộc thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.

Cần thiết phải quy định cụ thể về các thiết bị chuyên dụng

Việc ra quân xử lý xe chở cuộn thép, cuộn tôn không đảm bảo an toàn thời gian qua mang lại hiệu quả như thế nào?

Việc PC08 chủ động kịp thời ra quân xử lý xe chở cuộn thép, cuộn tôn đã nâng cao được ý thức của chủ xe, người điều khiển phương tiện trong việc chằng buộc hàng hóa chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khác khi tham gia giao thông; chuyển biến một bộ phận lái xe nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của việc vận chuyển hàng hóa có sức nặng lớn mà không được ràng buộc chắc chắn. Đồng thời, CSGT thường xuyên ra quân xử phạt kết hợp công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả rất cao.

Trong quá trình xử phạt các phương tiện vi phạm này lực lượng CSGT có gặp khó khăn, bất cập gì?

Để xử phạt 1 trường hợp, CSGT tốn rất nhiều thời gian do phải kiểm tra người, phương tiện và hoạt động vận tải của phương tiện, đặc biệt là khi cân tải trọng của phương tiện, xác định hành vi, lập biên bản vi phạm hành chính...

Một bộ phận chủ phương tiện và người điều khiển không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT. Họ viện nhiều lý do để kéo dài thời gian xử lý, khiến cho việc xử phạt vi phạm hành chính tốn nhiều thời gian.

Trong khi đó, mặc dù Khoản 1 Điều 20 luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn”, nhưng “thế nào là chằng buộc chắc chắn” thì vẫn chưa được quy định cụ thể. Một số chủ phương tiện và tài xế hiểu rằng sử dụng dây xích chằng buộc cuộn thép, cuộn tôn rồi kê gỗ 2 đầu là chằng buộc chắc chắn. Họ không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT khiến tổ công tác tốn nhiều thời gian...

Mặt khác, Thông tư 35/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ cũng chưa quy định rõ đối với hàng hóa là cuộn sắt thép trên xe ô tô. Do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể nên việc xử phạt hành chính chủ yếu thực hiện trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, tức khi xảy ra hậu quả do xe chở thép cuộn thiếu an toàn.

Từ những bất cập nêu trên, PC08 có kiến nghị, đề xuất gì để sắp tới việc xử phạt xe chở thép cuộn, thép tấm, ống thép tròn… thiếu an toàn được hiệu quả hơn?

PC08 đã có văn bản tham mưu Công an TP.HCM đề xuất Cục CSGT tham mưu Bộ Công an có trao đổi, kiến nghị với Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thông tư thay thế Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT, trong đó quy định rõ yêu cầu về phương tiện vận chuyển, kích thước, khả năng chịu lực của hệ thống dây chằng, hệ thống chêm; quy định việc chở hàng hóa đặc chủng, như: thép cuộn, thép tấm, ống thép tròn.

Việc sửa đổi, bổ sung cần thiết phải quy định cụ thể về các thiết bị chuyên dụng để vận chuyển thép cuộn, thép tấm, ống thép tròn, các hệ thống neo, dây chằng buộc, giá đỡ hàng hóa... đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.