Kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm nay có 4 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm thực hiện với việc triển khai thí điểm đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn: Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Cần Thơ.
“Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn do Bộ Y tế triển khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người trực tiếp kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, đặc biệt chú trọng việc mua, bán sử dụng thuốc kháng sinh”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Theo đánh giá của Cục Quản lý dược, thông qua việc triển khai nối mạng các nhà thuốc với cơ quan quan lý, hệ thống này giúp kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá, thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc vì tất cả các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành hợp pháp tại VN sẽ được lưu và cập nhật trên hệ thống mạng (hiện có khoảng 22.000 loại thuốc), các nhà thuốc sẽ không được kinh doanh thuốc ngoài danh mục này.
Thay đổi ý thức, hành vi
|
Để thực hiện đề án, Sở Y tế Vĩnh Phúc triển khai tập huấn phần mềm quản lý nhà thuốc kết nối toàn quốc; khảo sát, kiểm tra, đánh giá hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn gồm đánh giá đơn thuốc; kê đơn ngoại trú; nhận thức người bán, người mua... Sau đó sẽ kiểm tra, nhắc nhở đề người bán và mua cùng có ý thức tuân thủ, sau đó sẽ xử phạt nếu vi phạm.
Ông Vũ Viết Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các nhà thuốc cần ký cam kết bán thuốc theo đơn, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng thuốc…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, vừa qua tình trạng bán thuốc kê đơn, bán kháng sinh nhưng không theo đơn của bác sĩ là phổ biến tại nhiều nơi, do đó tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn là nhiệm vụ rất cấp bách; nếu chậm thì nhân dân và ngành y tế sẽ chịu hậu quả nặng nề do sử dụng thuốc không an toàn; sử dụng kháng sinh không hợp lý. Trong nhiều năm qua, thế giới không phát minh ra được kháng sinh mới, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nặng nề. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý bán thuốc, kê đơn giúp đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc, hạn chế tình trạng bán thuốc cần kê đơn mà không có đơn thuốc... Giám đốc Sở Y tế tổ chức giám sát việc thực hiện. Cơ sở nào đã nhắc nhở mà vẫn vi phạm thì xử phạt nghiêm”, Thứ trưởng Cường đề nghị.
"Việc nối mạng các nhà thuốc sẽ giúp khắc phục lỗ hổng trong quản lý kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, đó là tình trạng kinh doanh “thuốc xách tay” tồn tại trong thời gian qua. “Thuốc xách tay” có thể là thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc không được kiểm soát chất lượng; thuốc bị làm giả. Cơ quan quản lý đang tăng cường thanh kiểm tra kinh doanh thuốc, nếu phát hiện thuốc không rõ nguồn gốc sẽ lập tức kiểm tra kho thuốc, truy nguồn cung thậm chí nếu nghiêm trọng sẽ đình chỉ kinh doanh".
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
|
Bình luận (0)