Ngăn chặn lãng phí nghìn tỉ với sách giáo khoa

31/12/2022 06:14 GMT+7

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về những lãng phí lên đến gần 2.400 tỉ đồng liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa giai đoạn từ năm 2014 - 2018 là những cảnh báo để Bộ GD-ĐT cần sớm chặn 'vết xe đổ' có thể lặp lại khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Người ký văn bản có “dấu hiệu lợi ích nhóm” năm 2013 là ai ?

Trong thông báo kết luận thanh tra vừa được ban hành, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Bộ GD-ĐT, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa (SGK) giai đoạn từ 1.1.2014 đến 31.12.2018.

Phụ huynh và học sinh phải mua sách giáo khoa mới giá cao hơn gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm 2013, Bộ GD-ĐT ban hành Văn bản số 2372 có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập (SBT) do Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) VN tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Việc này không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT; gây nhầm lẫn cho học sinh (HS), phụ huynh và xã hội hiểu rằng SBT được NXB xuất bản là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK; khiến hầu hết gia đình HS khi mua SGK đều mua SBT kèm theo. TTCP nhận định có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành SBT. Chưa hết, quá trình điều chỉnh tăng giá sách lần 3, Bộ GD-ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới NXB điều chỉnh tăng giá bán SGK 16,9%.

Theo tìm hiểu, văn bản được TTCP nêu trên là Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông ban hành ngày 11.4.2013 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thời điểm đó là ông Nguyễn Vinh Hiển ký thay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi các sở GD-ĐT. Tại văn bản này, ở mục 1.3, phần a có nêu: “SBT do NXBGD VN tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Trên SBT có ghi tên NXBGD VN và tên các tác giả”. Tiếp đó, tại phần b và c, văn bản có nêu: “Giáo viên (GV) có thể tham khảo SBT sau khi đã xem xét sự phù hợp của nội dung bài tập với nội dung bài dạy; HS có thể tham khảo SBT để củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng đã được học trên lớp. GV, HS khi sử dụng SBT nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa SBT và SGK thì lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập”.

Số lượng SGK của HS quá nhiều, có những bộ môn không cần nhưng vẫn có sách. Do đó, cùng với quản lý giá SGK cho phù hợp thì phải tinh gọn SGK; khuyến khích sách số.

Bà Nguyễn Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội

Về nội dung này, TTCP kết luận: “Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại SBT, sách tham khảo (STK) thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành SBT)”. Từ đó, cơ quan thanh tra cho rằng việc Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH nêu SBT được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT. Mặc dù sau đó, Bộ GD-ĐT có ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7.7.2014 quy định về quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372/BGDĐT-GDTrH nêu trên.

Công tác biên soạn, in ấn và giá sách giáo khoa là vấn đề nổi cộm được dư luận đề cập lâu nay

NGỌC DƯƠNG

Hậu quả qua nhiều thời kỳ

Trên thực tế, việc ép HS mua STK, SBT cả chục năm qua đến nay vẫn là vấn đề gây bức xúc và ngày càng nặng nề hơn. Tình trạng các nhà trường bán SGK thì ít mà STK, SBT thì nhiều, theo kiểu “bia kèm lạc”, ngày càng phổ biến. Hầu như năm học nào Bộ GD-ĐT cũng ra văn bản chấn chỉnh, thậm chí là chỉ thị về việc không ép HS phải mua STK, SBT.

Người đứng đầu NXBGD bị cảnh cáo

Ngày 5.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXBGD VN, bằng hình thức cảnh cáo. Ông Thái có khuyết điểm vi phạm chính sách pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo NXBGD VN tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới. Đồng thời, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết...

Tháng 9.2018, ông Phùng Xuân Nhạ, khi đó là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lại ra chỉ thị về việc sử dụng SGK, STK trong các trường phổ thông, trong đó yêu cầu GV không để cho HS viết, vẽ vào SGK. Trong chỉ thị, Bộ GD-ĐT cho biết việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt 35%, mặc dù bộ này đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và GV hướng dẫn HS sử dụng SGK, nhắc nhở các em có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sách được sử dụng lâu bền. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, GV vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến HS phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Tháng 6.2022, xung quanh bức xúc về việc giá SGK quá cao, lãng phí khi sử dụng 1 lần, nhiều cuốn sách không sử dụng đến..., Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hiện nay là ông Nguyễn Kim Sơn đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng SGK, STK trong nhà trường, trong đó nêu: “Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc HS, gia đình HS mua STK, SBT”.

Nguy cơ lãng phí với SGK mới

Khi thay SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngay năm đầu tiên thực hiện với lớp 1 (năm 2020), dư luận bức xúc khi phụ huynh HS lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.8, TP.HCM, phản ánh kèm bằng chứng về việc con họ bị nhà trường “ép” mua bộ sách 23 cuốn, với giá tiền hơn 800.000 đồng. Điều đáng nói, trong số 23 cuốn sách này, phần lớn là STK, bổ trợ, không nằm trong danh mục SGK bắt buộc phải trang bị. Sau sự việc này, Bộ GD-ĐT lại có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường quản lý và thanh tra việc trang bị sách trong trường học. Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách” quá mới mẻ và thiếu khoa học trong triển khai khiến SGK không được tái sử dụng, hàng chục nghìn cuốn dùng 1 năm rồi bỏ phí.

Cụ thể, trong năm đầu triển khai, thẩm quyền chọn SGK thuộc về các trường (theo Nghị quyết 88 của Quốc hội), từ năm thứ hai lại thực hiện theo luật Giáo dục nên việc quyết định chọn SGK là của UBND cấp tỉnh, dẫn tới ở nhiều nơi phải chọn lại bộ khác. Chưa kể, với SGK lớp 1 năm đầu có 4 bộ thì năm sau 2 bộ biến mất, những trường đã chọn SGK của 2 bộ chỉ có “tuổi thọ” 1 năm ấy phải chọn lại SGK khác… Việc vận hành và lựa chọn trong nhiều bộ SGK như vậy khiến sách của năm trước chọn thì năm sau HS của chính trường đó không sử dụng được nữa.

Học sinh lớp 10 đang theo học chương trình, sách giáo khoa mới

đào ngọc thạch

Thực tế xảy ra qua 3 năm thực hiện SGK mới đã cho thấy rõ ràng phụ huynh là người bỏ tiền túi ra mua sách cho con học nhưng lại không được quyết định chọn bộ sách nào và cũng không biết “tuổi thọ” của bộ sách ấy là bao lâu.

Không những vậy, việc có quá nhiều đầu SGK theo danh mục SGK mới cũng gây nên sự lãng phí, tốn kém không cần thiết. HS đang học các lớp 1, 2, 6, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đều phải mua SGK mới với giá cao hơn gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ. Bên cạnh những lý giải về chi phí tốn kém hơn khi in như in màu, giấy tốt, khổ to… thì nguyên nhân khiến giá sách đội lên phải kể đến là có quá nhiều đầu sách bắt buộc so với trước. Đơn cử bộ sách lớp 1 cũ chỉ gồm tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội, nhưng sách lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm tiếng Việt, toán, tự nhiên - xã hội, đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm…, gần gấp 3 lần về số lượng.

Đến năm nay là năm học thứ 3 thực hiện SGK mới, phần lớn phụ huynh phản ánh các cuốn SGK thể dục mang tên “giáo dục thể chất”, hoạt động trải nghiệm hầu như đã “nằm im trên giá” không được dùng đến. Tương tự, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cái mà HS cần là được học bằng những trải nghiệm thực tế, được thực hành chứ không phải trải nghiệm trên giấy.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục, nhiều lần đề nghị cần giảm số đầu sách bắt buộc trong danh mục SGK; quy định số trang tối đa cho một cuốn sách, tránh tình trạng cùng môn học mà SGK lại có độ dày mỏng quá khác nhau, khiến giá cũng khác.

Bà Nguyễn Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, phát biểu: “Qua dư luận phản ánh và qua giám sát tại địa phương, chúng tôi cũng thấy đang có tình trạng “lạm dụng SGK”. Số lượng SGK của HS quá nhiều, có những bộ môn không cần nhưng vẫn có sách. Do đó, cùng với quản lý giá SGK cho phù hợp thì phải tinh gọn SGK; khuyến khích sách số”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.