Luật bất thành văn
Trong khoảng 2 năm giữa đại dịch Covid-19 (từ tháng 9.2020 - 12.2022), 25 bị cáo là các cựu quan chức, cán bộ của các bộ, ngành, địa phương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhận hối lộ trong việc cấp phép các chuyến bay "giải cứu" đưa công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài về nước - một chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Để có thể được vào danh sách tổ chức chuyến bay, các doanh nghiệp (DN) đã phải chi tiền "bôi trơn", "cảm ơn" cho một loạt quan chức tại các bộ, ngành, địa phương. 23 bị cáo là đại diện các DN đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số tiền hơn 226 tỉ đồng.
Trong vụ án trên, chỉ là thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế với nhiệm vụ tiếp nhận các hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng rồi chuyển cho thứ trưởng, nhưng bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất với 236 lần nhận tổng cộng 42,6 tỉ đồng từ các DN để thực hiện các thủ tục cấp phép cho các chuyến bay.
Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, nói Kiên yêu cầu đưa 150 triệu đồng mỗi chuyến "như các bộ, ngành khác". "Kiên gửi cho tôi bức ảnh tờ giấy thứ trưởng đã ký và yêu cầu "anh phải chuyển tiền mới có dấu", và mỗi lần như vậy tôi cho nhân viên chuyển tiền", bị cáo Dương nói trước tòa. Nhiều bị cáo là DN khai rằng các cán bộ tại nhiều bộ, ngành trong quy trình cấp phép các chuyến bay đã gợi ý "cơ chế cảm ơn" để được giải quyết nhanh chóng.
Lời khai của các bị cáo thuộc phía DN là một thực tế đã tồn tại từ lâu. Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, có tới 71,7% DN được khảo sát cho rằng "tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN là phổ biến".
Tại báo cáo "Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của DN" được công bố tháng 6.2022, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết khoảng 34,4% DN được hỏi có chung câu trả lời rằng việc chi trả "hoa hồng" là một yêu cầu bắt buộc để có thể trúng thầu.
Nạn nhân của xin - cho
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá chính cơ chế xin - cho là căn nguyên sâu xa "đẻ" ra những món quà cảm ơn tiền tỉ. Có rất nhiều công đoạn khác nhau trong quy trình cấp phép để một chuyến bay "giải cứu" được phép cất cánh. Và mỗi cán bộ vốn được giao thực hiện chức trách của mình lại biến nó thành sự ban phát để vòi vĩnh quà "cảm ơn", mà thực chất là tiền hối lộ như cách cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nói với DN: "Thứ trưởng đã ký nhưng phải chuyển tiền mới có dấu".
Cơ quan công tố, tại phiên tòa xét xử Phạm Trung Kiên, cho rằng dù chỉ là thư ký, nhưng nếu bị cáo Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm, hoặc khi có phê duyệt của thứ trưởng Bộ Y tế nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi đi sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cấp phép chuyến bay cho DN. Từ đó, Phạm Trung Kiên đã gây sức ép, buộc DN phải đưa tiền.
"Chuyện cán bộ tạo ra khó khăn, rào cản hòng vòi vĩnh, sách nhiễu người dân, DN không phải là không phổ biến", ông Hạ nhận định. Với quyền được cho phép trong tay, các cán bộ rất dễ dàng biến nó thành các điểm nghẽn để xin - cho. Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky, tại phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" đã "đúc kết" đầy cay đắng rằng: "DN là nạn nhân của cơ chế xin - cho".
Thực tế cơ chế xin - cho không phải điều gì mới mẻ, thậm chí trở thành một thứ "vô thức" từ lâu.
TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, nói lâu nay người dân, DN làm gì thường có "đơn xin", nhưng thực tế đây là quyền của người dân chứ không phải xin.
"Ở các nước người ta dùng từ đề nghị, yêu cầu. Nếu tôi - người dân, có đủ điều kiện, cơ quan nhà nước phải phê duyệt", ông Minh nói. Tuy nhiên, các quy định về điều kiện trong quy trình giải quyết các thủ tục ở ta lại thường không rõ ràng.
"Như vụ chuyến bay "giải cứu", chúng ta chỉ biết đến chủ trương là giải cứu, còn trình tự, thủ tục, điều kiện ra sao rất ít người biết. Lẽ ra tất cả phải công khai, rõ ràng. DN muốn tham gia phải đáp ứng 4 hoặc 5 điều kiện, chứ không thể không biết, được cấp phép hay không lại do ông thẩm định", ông Minh phân tích.
Chính sự thiếu minh bạch, quá nhiều các loại giấy phép trong các quy định của pháp luật đã tạo ra những mảnh đất màu mỡ cho cơ chế xin - cho nhức nhối. Ông Tạ Văn Hạ thừa nhận hệ thống pháp luật còn nhiều chồng chéo, chưa hoàn thiện dẫn đến cách hiểu, áp dụng không rõ ràng. "Luật hiểu theo cách này thì có thể châm chước cách này, hiểu cách kia thì có thể châm chước cách kia. Cho nên cần phải có sự châm chước của cán bộ - chính là quyền được cho, được ban phát một điều gì đó", ông Hạ nói.
Xem nhanh 20h: Lời hối lỗi vụ “chuyến bay giải cứu"
Chống "lợi ích nhóm"
Theo TS Đinh Văn Minh, để ngăn chặn những biến tướng của quà cảm ơn tiền tỉ, cần phải xóa bỏ cơ chế xin - cho trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với DN, người dân. Người dân, DN thực hiện những quyền trên cơ sở pháp luật quy định, phải được cán bộ, cơ quan công quyền tôn trọng và thực hiện. Cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng các quy trình, thủ tục phải ngắn gọn, bỏ ngay những giấy phép con cản trở người dân - vì sự cản trở, gây khó khăn cho người dân chính là những điểm nghẽn để xin - cho. Người dân thấy khó sẽ phải tìm cách để "bôi trơn".
"Tất cả trình tự phải công khai. Làm một thủ tục gì phải thông báo rõ cần những gì, người dân đến chỉ cần chuẩn bị đủ một lần. Còn hiện nay vẫn rất nhiều rủi ro, lúc thì thiếu cái này, lúc lại sai cái kia, đi lại nhiều lần. Đó cũng có thể dẫn tới đưa, nhận hối lộ", ông Minh nêu.
Rộng hơn, ông Tạ Văn Hạ cho rằng cần phải sớm khắc phục sự bất toàn, chồng chéo cũng như việc cài cắm "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương khi xây dựng pháp luật. Theo ông Hạ, chính việc "hở ra là cấp phép" trong xây dựng, thiết kế chính sách, pháp luật dẫn đến tình trạng xin - cho như là một sự nghiễm nhiên, mặc định, một thứ luật bất thành văn. "Đáng lo ngại hơn là chuyện xin - cho đã thành tình trạng trầm kha, kinh niên, ai cũng biết, cũng thấy nhưng xử lý chưa được bao nhiêu", ông Hạ nói.
Quàng trách nhiệm nhưng làm không nổi
Khi cho ý kiến vào nhiều dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc lại nhiều lần việc phải chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, nhất là việc các quy định trong các văn bản luật tạo ra những "giấy phép con" để làm khó DN.
"Thường bộ nào làm cũng quàng trách nhiệm về cho mình, nhưng cuối cùng làm không nổi, lại ảnh hưởng các bên khác. Phải rà lại cái này để tránh và hạn chế chuyện xin - cho", Chủ tịch Quốc hội từng nói. Tại kỳ họp 5 hồi tháng 6 vừa qua, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành rà lại toàn bộ hệ thống pháp luật để tìm ra những chồng chéo, bất cập đang gây ách tắc, kẽ hở cho xin - cho, tiêu cực, tham nhũng.
Bình luận (0)