Nguyên nhân chủ quan từ tài xế
Tài xế N.V.V (48 tuổi, ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết bản thân ông đã có kinh nghiệm hơn 25 năm lái xe đường dài. Qua theo dõi, ông cho hay hầu hết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan của tài xế.
"Muốn giảm thiểu những vụ tai nạn như thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm. Thậm chí khởi tố hình sự để răn đe và phòng ngừa chung đối với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của tài xế, người tham gia giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, vượt quá tốc độ cho phép, chạy vào làn đường cấm, chở quá số lượng khách cho phép, vi phạm nồng độ cồn…", tài xế V. nói.
Theo ông V., một vấn đề khác cũng cần quan tâm là tại các đoạn đường hiểm trở, cung đường có yếu tố hiểm yếu thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, biển cảnh báo, biển chú ý…
HOẠT ĐỘNG MANH MÚN CŨNG LÀ NGUY CƠ
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, sở hữu hãng xe Sao Việt chuyên tuyến Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai), cho biết không doanh nghiệp (DN) nào muốn sai phạm, song thực tế quản lý con người "rất đau đầu".
Theo ông Bằng, nhà xe này đã tăng cường quản lý chặt chẽ với tài xế và phương tiện. "Lái xe bắt buộc phải quản lý qua thiết bị giám sát hành trình, kết hợp thẻ lên xuống xe của lái xe. Hết 4 tiếng liên tục theo quy định phải cắt thẻ đổi lái. Việc tổ chức giám sát lái xe tùy thuộc vào cung đường. Ví dụ, cung đường dài 6 - 8 tiếng thì phải bố trí 2 lái xe, với các cung đường dưới 300 km chạy dưới 4 tiếng thì bố trí 1 lái xe. Anh em tài xế đa số chạy hơn nửa hành trình, khoảng 150 - 200 km đều vào trạm dừng nghỉ", ông Bằng nói.
Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng bản chất hoạt động vận tải khách tại VN hiện vẫn rất manh mún. "Nhà xe chỉ có 1 - 2 phương tiện cũng thành lập DN hoặc hợp tác xã. Về quy định thì không sai, nhưng quy mô nhỏ cũng rất hạn chế, không chỉ trong việc tuyển chọn nhân sự lái xe, mà với nhà xe chỉ 1 - 2 xe làm sao lập được tổ giám sát hành trình để theo dõi xe cả ngày, đêm và nhắc nhở, chấn chỉnh lái xe khi vi phạm được", ông Bằng nói.
Theo chủ hãng xe Sao Việt, bên cạnh việc quản lý bằng máy móc thiết bị giám sát hành trình hay camera, quan trọng nhất vẫn là tập trung tuyên truyền, giáo dục, chấn chỉnh để nâng cao ý thức của tài xế từ phía DN.
CHỦ XE CŨNG PHẢI LIÊN ĐỚI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng có tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa một số nhà xe trên cùng tuyến, hoặc nhà xe khoán doanh thu cho tài xế nên phải chạy nhanh, rút ngắn thời gian để quay vòng. Dù vậy tình trạng này không quá phổ biến, vì hiện nay các chuyến xe khách khá vắng do cạnh tranh của các loại hình phương tiện khác, cung nhiều hơn cầu.
"Có thực tế là việc đăng ký thành lập DN vận tải xe khách khá đơn giản, một cung đường nhiều nhà xe nên ít nhiều cũng có tác động gây ra tình trạng cạnh tranh để đạt doanh thu, một số tài xế chạy ẩu, thiếu an toàn", ông Thanh nói. Theo chuyên gia này, quan trọng nhất là phải tăng cường công tác quản lý an toàn từ chính các DN. DN vận tải có trách nhiệm chính từ khâu tuyển chọn và giám sát tài xế.
"DN buộc phải thực hiện giám sát và quản lý tài xế nghiêm, nếu vi phạm phải bị xử lý. Trường hợp để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, chủ nhà xe cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không chỉ đẩy mình tài xế ra chịu. Có chịu trách nhiệm thì các nhà xe, DN vận tải mới thực sự làm tròn trách nhiệm quản lý, giám sát tài xế. Cơ quan quản lý cũng phải tăng cường công tác giám sát DN vận tải và xử lý thật nghiêm ngay khi phát hiện vi phạm", ông Thanh đề xuất. (còn tiếp)
"KHÔNG PHẢI CHẾ TÀI CỦA TA KHÔNG CÓ"
Theo thống kê của cơ quan chức năng, phần lớn TNGT xảy ra vào thời điểm nửa đêm về sáng là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, nhất là tâm lý mệt mỏi của người điều khiển phương tiện. Thời gian qua, các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, theo tôi không phải chế tài của ta không có, không đủ mạnh, mà là do việc thực thi pháp luật chưa thật sự tốt của cả người tham gia giao thông và cả từ các cơ quan chức năng.
Người điều khiển phương tiện giao thông phải xem tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu, phải tuân thủ tốc độ, đảm bảo sức khỏe, tuân thủ thời gian lái xe và các quy định khác của luật Giao thông đường bộ.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát hữu hiệu, nhất là các khung giờ nửa đêm về sáng và xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm. Được như vậy, tôi nghĩ sẽ hạn chế có hiệu quả các tai nạn đáng tiếc xảy ra như đã nêu.
Ông Nguyễn Hữu Thông (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận)
Quế Hà (ghi)
Bình luận (0)