Ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội cho thanh thiếu nhi

05/11/2021 06:30 GMT+7

Ngày 4.11 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án “ Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030

Anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn chủ trì hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, an ninh - an toàn không gian mạng, chính trị, tư tưởng của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Xuân Tùng

Những yếu tố làm tăng tính dễ tổn thương của giới trẻ

Báo cáo tại hội thảo, anh Nguyễn Hữu Ngọc, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, cho biết theo đánh giá của T.Ư Đoàn, không gian mạng là một thực thể đang tồn tại và là một thành tựu văn minh của loài người trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay. Tuy nhiên, không gian mạng cũng tồn tại những yếu tố làm tăng tính dễ tổn thương của giới trẻ trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai, xâm phạm thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại, xâm hại trực tuyến… Những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi hiện nay. Đó cũng là lý do cấp thiết của việc xây dựng đề án này.

Anh Ngọc cho biết trong những năm qua, T.Ư Đoàn đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kết luận để triển khai thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn hiện nay, việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong công tác này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhu cầu thực tiễn, Ban Bí thư T.Ư Đoàn xây dựng đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Dự thảo đề án xác lập 2 mục tiêu lớn, trong đó tạo sức đề kháng để thanh thiếu nhi chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự thảo đề án cũng đưa ra 7 giải pháp thực hiện như: kiểm soát, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu nhi; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng…

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại hội thảo

XUÂN TÙNG

Đề xuất đưa kỹ năng ứng xử mạng xã hội thành môn học bắt buộc

Góp ý tại hội thảo, đa số các ý kiến đều đồng ý với quan điểm về tính cấp thiết phải có đề án này. PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, giảng viên cao cấp, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng mạng xã hội đã trở thành “xã hội mạng”, chứ không còn là không gian mạng nữa. Lực lượng nào chủ động tiếp cận, sử dụng, phát triển không gian mạng sẽ giành được lợi thế; ngược lại, mọi sự chậm trễ trong nhận thức và hành động trước sự hiện diện của không gian mạng sẽ gây ra hậu quả bất lợi khôn lường. Đặc biệt, tiến sĩ Lê Hải (Tạp chí Cộng Sản) nói: “Cần đưa kỹ năng ứng xử mạng xã hội thành môn học bắt buộc trong nhà trường, vì hiện con cháu chúng ta sử dụng thường xuyên mà không có người hướng dẫn”.

Các đại biểu đã góp ý về những giải pháp tuyên truyền giáo dục đối với thanh thiếu nhi. Ông Nguyễn Viết Thảo cho rằng việc xây dựng nội dung tuyên truyền giáo dục trên không gian mạng là rất khó, nhất là đối với thanh thiếu nhi, cần phải làm giản dị những vấn đề lớn. “Phương châm là thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, đừng chỉ căn cứ vào chất lượng sản phẩm tuyên truyền vì chất lượng cao, nhưng không đến được người tiếp nhận thì hiệu quả rất thấp”, ông Thảo nói và cho rằng những hoạt động tuyên truyền phải rất sinh động, đa phương tiện thì mới tiếp cận được thanh thiếu nhi.

Tiến sĩ Bùi Thế Đức (Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư; nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư) cho rằng các giải pháp đưa ra cần phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và xu hướng của giới trẻ. Ông Đức nói: “Cần chọn giải pháp phù hợp lứa tuổi từ 6 - 30 để khắc phục tình trạng khô cứng trong tuyên truyền; nội dung đúng nhưng phải đổi mới, sáng tạo; giáo dục phải phù hợp với đối tượng”.

Phát biểu kết luận hội thảo, anh Nguyễn Tường Lâm đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu và cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu để xây dựng đề án. Đồng thời, đề án sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.