|
Công điện số 06/CĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam cảnh báo tình trạng nhiều người bị nhiễm cúm và tử vong ở một số nước giáp với Việt Nam. Trong đó, tại Trung Quốc đã có 134 người nhiễm vi rút cúm H7N9, 45 người tử vong. Tại Campuchia, 16 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 và 11 người tử vong.
Trong khi đó, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới và gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra ở một số tỉnh phía bắc và ngày càng tinh vi hơn.
Vì vậy, chính quyền địa phương nghiêm việc cấm vận chuyển, mua bán giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Tại các thôn, bản, các khu vực tập kết buôn bán gia cầm, các lực lượng chức năng phải giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Đồng thời quy định có chợ riêng hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống riêng biệt, cách ly hẳn với các khu vực buôn bán các hàng hóa khác.
Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân không “tiếp tay” cho các hoạt động nhập lậu gia cầm vào trong địa bàn tiêu thụ.
Riêng tại Quảng Nam, bệnh cúm gia cầm H5N1 cũng đã xảy ra tại một số địa phương như Thăng Bình, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Phú Ninh kể từ đầu năm 2013, trong điều kiện đàn gia cầm hầu hết không được tiêm vắc-xin phòng bệnh nên nguy cơ xảy ra dịch cúm rất cao.
Tin, ảnh: H.X.Huỳnh
>> Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm trên chim cút
>> Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở Tây Ninh
>> Công bố dịch cúm gia cầm trên chim cút
>> Ngăn ngừa dịch cúm gia cầm từ Campuchia
>> Khống chế thành công dịch cúm gia cầm
Bình luận (0)