Ngắn hạn và dài hạn

15/02/2014 03:35 GMT+7

Ít có dự thảo đổi mới nào của Bộ GD-ĐT lại được dư luận ủng hộ thực hiện ngay như các phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT mà Bộ công bố đầu năm nay. Ngược lại, cũng hiếm thấy tình huống nào nhiều ý kiến mong mau chóng thực hiện đề án nhưng Bộ còn chùng chình, cân nhắc, xem xét.

Ngoại trừ còn nhiều ý kiến tranh luận về việc miễn thi cho học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt với tỷ lệ tối đa 20%, đến nay về cơ bản các ý kiến đều đồng thuận đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo 4 môn (trong đó có 2 môn tự chọn). Điều này không có gì ngạc nhiên vì học sinh nào lại không muốn thi ít môn (4 thay vì 6 môn như trước nay) để còn dành thời gian tập trung cho kỳ thi quan trọng hơn là tuyển sinh ĐH.

Mọi người hoan hỉ, mong chờ thay đổi ngay mà quên rằng việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm nay là tiền đề cho những thay đổi về tuyển sinh, thi cử sau năm 2015 mà đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 vào tháng 11.2013. 

Một trong những điểm quan trọng của nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là thi, kiểm tra, đánh giá. Trong đó nhấn mạnh đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH,CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.

Đầu tuần này, trong một thông báo gửi cho báo chí, Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2015 thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH có bước đột phá lớn. Văn bản này có đoạn: “Có thể áp dụng 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi quốc gia chung) song song hoặc chỉ áp dụng năm đầu đổi mới (2015) rồi sau đó chỉ còn lại một kỳ thi quốc gia duy nhất.  Nếu chỉ còn một kỳ thi quốc gia, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sau đó sẽ đánh giá năng lực thật sự của học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Như vậy, có thể hiểu rằng trong tương lai gần, tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Nếu như thế thì dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp đang xem xét để thực hiện trong năm 2014 chưa đi đúng lộ trình, chưa là bước chuẩn bị cho những thay đổi lâu dài.  Nghĩa là sự thay đổi phải toàn diện cả về cách thức thi, đề thi… chứ không ở số lượng môn thi và thêm đối tượng được miễn thi. Cho dù kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ diễn ra theo phương án mà Bộ GD-ĐT đang đề xuất thì đến năm 2015 cũng lại tiếp tục thay đổi. Vậy, đổi mới trong một năm để làm gì?

Đây có lẽ là lý do khiến đến giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định chính thức về kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Thế nhưng dư luận đã rất sốt ruột, đến giờ học sinh chỉ nghĩ đến một trong hai phương án thi tốt nghiệp chỉ có 4 môn. Mọi thứ dường như đã sẵn sàng theo hướng này nên vẫn có khả năng năm nay học sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn. Nhưng năm sau đó thế nào vẫn là một câu hỏi.

Nếu sự đổi mới có giá trị lâu dài, làm tiền đề cho những đổi thay mang tính chiến lược dài hạn thì sẽ tránh lãng phí và gây xáo trộn cho hệ thống giáo dục.

Thùy Ngân

>> Đổi mới giáo dục theo cách riêng
>> Thủ tướng chủ trì cuộc họp về đề án đổi mới giáo dục
>> Đổi mới giáo dục bằng hệ thống thông tin quản lý hiện đại
>> Phụ huynh cùng nhà trường đổi mới giáo dục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.