Sức khỏe của các ngân hàng yếu kém, đặc biệt 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng đang dần ổn định trở lại. Thể hiện qua thanh khoản dư thừa sau nỗ lực hỗ trợ từ các ngân hàng TMCP nhà nước như Vietcombank, VietinBank... và định hướng tái cơ cấu đúng đắn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vietcombank bước đầu tham gia tái cơ cấu thành công Ngân hàng Xây dựng - Ảnh: N.T |
Mất vốn, phải bán 0 đồng
Tiên phong trong việc đại phẫu các nhà băng yếu kém phải kể đến Vietcombank khi “đại gia” này đứng ra lãnh trách nhiệm cử người vào cơ cấu lại toàn bộ Ngân hàng (NH) Xây dựng (VNCB) trước nguy cơ đổ vỡ cận kề. Kế đến VietinBank cũng nhập cuộc khi gánh mỗi vai một nhà băng gồm NH TMCP Đại Dương (OceanBank), và Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Trước đó, đã có không ít ý kiến băn khoăn việc NHNN mua lại 3 NH trên với giá 0 đồng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhà băng vốn đang hoạt động mạnh, đứng đầu hệ thống như VietinBank, Vietcombank. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức tiếp quản đến nay, theo báo cáo NHNN đã ngăn chặn cơ bản được tình trạng mất thanh khoản, đổ vỡ. Cả 3 nhà băng trên đã không cần phải cho vay đặc biệt để chi trả tiền gửi; hoạt động kinh doanh ổn định và cải thiện hơn khi nợ xấu, tài sản không sinh lời bước đầu được xử lý và thu hồi. Đặc biệt, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt; quản trị điều hành được nâng cao. Bên cạnh đó, thanh khoản dư thừa khá lớn. Trước sự cải thiện này, NHNN đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát và bước đầu cho tăng trưởng tín dụng trở lại vào một số lĩnh vực an toàn.
Liên quan đến tính pháp lý khi mua lại với giá 0 đồng, theo NHNN qua kiểm toán độc lập xác định giá trị thực vốn điều lệ của các NH trên đã bị âm vốn điều lệ, cổ phần không còn giá trị chứ chưa nói bằng 0 và cổ đông không tăng được vốn theo yêu cầu của NHNN. Chính vì vậy, NHNN đã thực hiện mua bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng/cổ phần, yêu cầu các cổ đông của NH phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho NHNN. Việc mua lại được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và quy định tại bộ luật Tổ chức tín dụng, cũng như các quyết định của Thủ tướng.
Sử dụng vốn ngoài ngân sách
Trước băn khoăn rằng nguồn lực tái cơ cấu phải dùng ngân sách và tiền thu được từ lợi nhuận của các NH thương mại nhà nước xử lý, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN khẳng định: Quá trình tái cơ cấu không dùng tiền thuế, tiền ngân sách để mua lại các NH 0 đồng. Nguồn vốn chủ yếu để tái cơ cấu và mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng yếu kém sau được NHNN mua lại bao gồm: Thứ nhất, nguồn vốn huy động từ DN, dân cư và xử lý nợ xấu, tài sản không sinh lời. Với việc nhà nước là chủ sở hữu, uy tín của NH được nâng cao, huy động tiền gửi thuận lợi hơn, việc xử lý tài sản đảm bảo đã cải thiện đáng kể, qua đó gia tăng nguồn vốn hoạt động của NH.
Nguồn thứ hai từ tiền gửi, tiền vay từ các NH, các NH thương mại nhà nước được giao tham gia quản trị đã hỗ trợ, làm đầu mối thu xếp với các NH khác đáp ứng nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất hợp lý cho NH yếu kém này. Thứ ba, các NH bán nợ xấu cho VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN) lấy trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn tại NHNN để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Một điểm rất đáng lưu ý, quan hệ giữa VietinBank, Vietcombank và các NH 0 đồng là quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật, vì vậy hai “đại gia” trên không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với 3 NH được mua lại.
Với các giải pháp trên, biện pháp mua lại NHTMCP yếu kém với giá 0 đồng đã không sử dụng tiền của NSNN; không gây thiệt hại kinh tế cho nhà nước, NHNN và các NH thương mại nhà nước được chỉ định tham gia quản trị, điều hành. Đặc biệt là, việc mua lại và tiếp quản các NH TMCP yếu kém trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ và củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống NH và các chủ trương, biến pháp cơ cấu lại các TCTD.
Bình luận (0)