Ngân hàng ACB, Vietjet... thông qua phương án huy động vốn bằng trái phiếu

28/07/2023 12:25 GMT+7

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần dần được hồi sinh khi có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục lên phương án huy động vốn bằng kênh trái phiếu.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023. Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 200.000 trái phiếu trong 20 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá. Tổng giá trị phát hành trái phiếu lên đến 20.000 tỉ đồng. 

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn. Ngân hàng ACB phát hành số trái phiếu này nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, vào giữa tháng 6.2023, ACB có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2021, với tổng mệnh giá mua lại tối đa 10.000 tỉ đồng.

Ngân hàng ACB, hàng không Vietjet... thông qua phương án huy động vốn bằng trái phiếu - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn

NGỌC THẮNG

Tương tự, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) cũng vừa công bố thông tin bất thường về việc thông qua phương án phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, tổng số lượng trái phiếu phát hành là 20.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Vietjet cho biết, mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện chương trình chi trả các chi phí hoạt động về xăng dầu, chi phí cảng, điều hành bay, kỹ thuật, lương, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc tàu bay và các chi phí khác.

Trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định tối đa là 12%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ tính lãi còn lại sẽ tính lãi suất bằng tổng của biên độ tối đa 3,5%/năm và lãi suất tham chiếu. Trái phiếu phát hành được phép mua lại sau 12 tháng kể từ thời điểm phát hành hoặc thực hiện mua lại theo quy định.

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến 21.7, có 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 3.895 tỉ đồng được ghi nhận trong 3 tuần đầu của tháng 7. Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 1.295 tỉ đồng, chiếm 33,2%. Lãi suất phát hành của nhóm ngân hàng ở mức 7%/năm và các nhóm ngành còn lại dao động trong khoảng từ 9 - 12%/năm. 

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 70.203 tỉ đồng, với 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 9.276 tỉ đồng (chiếm 13,2% tổng giá trị phát hành) và 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 60.927 tỉ đồng (chiếm 86,8% tổng số).

Ngược lại các doanh nghiệp cũng đã thực hiện mua lại 12.968 tỉ đồng trái phiếu trong ba tuần đầu tháng 7. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 131.252 tỉ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.