Ngân hàng báo lãi cả tỉ USD, lãi suất vẫn ngất ngưởng

22/12/2019 10:49 GMT+7

"Anh cả" Vietcombank nhiều khả năng sẽ là nhà băng đầu tiên báo lãi chạm ngưỡng gần 1 tỉ USD khi khép lại năm tài khoá 2019.

Đua nhau báo lãi khủng

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ kết thúc năm dương lịch 2019. Đây là thời điểm các tổ chức tín dụng bắt đầu rục rịch công bố kết quả hoạt động kinh doanh.
Tại hội nghị tổng kết năm 2019 và kỷ niệm 28 năm thành lập (21.12.1991-21.12.2019), lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của ngân hàng đạt gần 3.200 tỉ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại Đại hội đồng cổ đông.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã công bố mức lãi kỷ lục năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018 và gấp 5,6 lần so với năm 2016. Tổng tài sản của VIB ước đạt 180.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2018
Năm 2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước, trong đó, ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỉ đồng. Tổng tài sản ngân hàng này tăng từ 2-5%, dư nợ tín dụng tăng từ 6-7%, nguồn vốn huy động tăng từ 10-12%.
Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Vietinbank Lê Đức Thọ cho biết, kết thúc năm tài chính 2019, ngân hàng này sẽ đạt và thậm chí có khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, BIDV đã trở thành ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên phát đi tín hiệu cho biết kết quả kinh doanh tích cực. Đại diện BIDV thông tin, quy mô tổng tài sản của BIDV ước đạt 1,4 triệu tỉ đồng, là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Tổng dư nợ ước đạt 1,1 triệu tỉ đồng, số dư huy động đạt 1,15 triệu tỉ đồng. Nhà băng nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 10.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đứng đầu trong hệ thống vẫn phải nhắc tới Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tính đến hết quý 3 vừa qua, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong hệ thống với 17.250 tỉ đồng trước thuế, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019.
Với đà tăng trưởng lợi nhuận này, đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu 20.000 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, ước đạt hơn 22.000 tỉ đồng và sẽ là nhà băng đấu tiên cán đích lợi nhuận tỉ USD.

Lãi suất vẫn chưa giảm như kỳ vọng

Ảnh Ngọc Thắng

Lãi vay trung, dài hạn vẫn ở mức 11%/năm

Các ngân hàng đua báo lãi lớn nhưng hiệu ứng giảm lãi suất ở đầu ra vẫn còn rất chậm. Tròn một tháng kể từ khi Ngân hàng nhà nước ban hành quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, thống kê cho thấy đã có 35/35 ngân hàng trong nước có động thái điều chỉnh giảm khung lãi suất tiền gửi sau động thái của nhà điều hành.
Ngay cả những ngân hàng đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần 5,5%/năm như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV hay Techcombank, cũng nhiệt tình hưởng ứng chính sách bằng cách giảm thêm 0,1-0,3 điểm phần trăm ở các kỳ hạn này.
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng trong khi vẫn giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng đồng thời cũng tăng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chẳng hạn, Techcombank trong tháng 11 giảm 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn dưới sáu tháng xuống 4,4% và tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 7-11 tháng lên 5,9%; VIB giảm 0,4-0,5 điểm phần trăm kỳ hạn dưới sáu tháng về 5% và tăng 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn 6-8 tháng lên 7,2%; ACB giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm kỳ hạn dưới 1-3 tháng xuống 5% nhưng tăng mạnh 0,3-0,6 điểm phần trăm kỳ hạn 13, 15, 18, 24 và 36 tháng…
Hiện tại, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đối với USD, lãi suất huy động hiện vẫn đang được giữ ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 3-6%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.