Sáng 18.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Mở đầu phiên chất vấn, nhiều câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề cập nội dung quản lý thị trường bảo hiểm, xử lý sai phạm trong bán bảo hiểm qua ngân hàng…
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt vấn đề: hiện nay, tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, và được trừ vào tiền mua bảo hiểm lần đầu; tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo, tranh giành khách hàng quá mức làm méo mó thị trường bảo hiểm, gây hiểu lầm cho khách hàng; điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm.
Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành trong khi người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và điều kiện khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ: những hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Đối với cơ quan quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm với những người chưa có nhận thức cao.
Bộ Tài chính đã kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại hành vi đó, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm xử lý.
Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi luật Kinh doanh bảo hiểm (2023), có một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn.
Đồng thời quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền và công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: hiện có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Bảo Minh và Bảo Việt, còn lại 17 công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài, của nước ngoài.
Hoạt động chủ yếu là các đại lý, nhân viên trong nước thực hiện. Ông nêu rõ việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng chứ chưa chắc đã phải của các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo.
Còn những vấn đề có thể là bảo hiểm liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý. Từ đó dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm. Cho nên, bộ đã xây dựng, tổ chức phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.
Cũng dành sự quan tâm cho câu chuyện quản lý lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 (2018), Nghị định 80 (2019) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự thảo nghị định có điểm mới nào liên quan đến việc bán bảo hiểm và các tổ chức tín dụng để giải quyết các vướng mắc hiện nay?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về xử phạt vi phạm hành chính như bán bảo hiểm qua ngân hàng, ngay khi tham gia ý kiến vào luật Các tổ chức tín dụng vừa qua với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã đề xuất không được tư vấn để bán bảo hiểm qua ngân hàng kèm với sản phẩm của ngân hàng.
Ví dụ, cho vay không được kèm vào phải bán bảo hiểm này, bảo hiểm kia. Đồng thời, trong quy định của luật Kinh doanh bảo hiểm (2023) cũng đã quy định trước 60 ngày và sau 60 ngày khi thực hiện bán sản phẩm của ngân hàng, các công ty bảo hiểm không được mua - bán các sản phẩm bảo hiểm, tránh tình trạng ép mua trong giai đoạn thẩm định cho vay hay sau khi thực hiện giải ngân.
"Chúng tôi cũng đề xuất vấn đề ép mua, ép bán bảo hiểm đối với những người vay ngân hàng phải báo với cơ quan chức năng", ông Phớc nói.
Bộ Tài chính giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phối hợp thường xuyên với cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để xử lý các trường hợp khi có đơn kiện hoặc khi có thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với việc lợi dụng các tổ chức tín dụng và ngân hàng để bán bảo hiểm.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, trong xây dựng quy định về xử phạt hành chính, bộ này cũng đưa ra những hành vi hết sức cụ thể, đặc biệt là xử lý bằng tiền phạt và các hình thức phải bổ sung như rút giấy phép, đình chỉ giấy phép… để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Bình luận (0)