Ngân hàng có dư vốn, doanh nghiệp vẫn không thể vay với lãi suất trên 10%/năm

30/03/2023 14:12 GMT+7

Đây là nội dung được chia sẻ tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh" do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 30.3.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn thành phố đều sụt giảm, tăng trưởng chung thấp nhất trong lịch sử, dưới 1%. Chẳng hạn, ngành dệt may giảm mạnh khoảng 30%, thủy sản giảm 30%, gỗ và sản phẩm liên quan giảm 40%, bất động sản đóng băng và các lĩnh vực khác gần như khựng lại hoàn toàn.

Qua khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp sụt giảm lao động chiếm 44,2%, doanh nghiệp cố gắng giữ người khoảng 64,7% và 17% doanh nghiệp buộc cắt giảm lao động. Nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng kinh doanh gần như không có, doanh nghiệp chỉ cần vốn để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Lý do tồn kho chôn vốn, vốn vay thì phát sinh gốc lãi trong khi dòng tiền không quay về vì không bán hàng được. Do đó doanh nghiệp cần dòng vốn lưu động và ngắn hạn để cầm cự và hy vọng hết năm nay tình hình sáng hơn.

Ngân hàng có dư vốn, doanh nghiệp vẫn không thể vay với lãi suất trên 10%/năm - Ảnh 1.

Ngân hàng trao đổi với doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn vốn vay sản xuất kinh doanh

T.X

Ông Nguyễn Ngọc Hòa đặt câu hỏi, ngân hàng đang hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào? Nếu cho phép khoanh, giãn nợ mà sang năm dồn trả một lần thì cũng chết. Do đó, ngân hàng giãn thành 6 - 8 năm, chứ dồn cục vừa hy vọng hồi phục thì cũng bị thắt lại.

"Ngân hàng có dư vốn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghệp nào dám vay để đầu tư dài hạn. Không dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay. Vì vậy, phải tính tới giải pháp cho dòng vốn dài hạn 5 - 7 năm; lãi suất đừng nhìn năm nay mà nhìn tới hy vọng của hai ba năm sau, cân đối như thế nào để kéo lãi suất xuống dưới 10%. Tương tự, đất nông nghiệp thuê nhưng tài sản trên đất cũng phải được phép thế chấp. Khi có thế chấp rồi thì định giá tài sản thế chấp như thế nào, đã vay trả lãi vài năm nhưng ngân hàng yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp vì giá trị bất động sản xuống. Điều này thật sự khó cho doanh nghiệp, làm sao có sự chia sẻ với nhau", ông Hòa phân tích.

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, những khó khăn không thể giải quyết được ngày một ngày hai. Trách nhiệm các cấp, ngành, từng doanh nghiệp, địa phương cần chia sẻ với nhau. Ngân hàng huy động vốn để cho vay nhưng không cho vay được, doanh nghiệp vẫn kêu khó.

Ông Tú cho biết khó khăn của doanh nghiệp rất nhiều, đến từ khách quan và chủ quan và tín dụng không thể giải quyết ngay được. Nhiều chính sách khác cũng cần tham gia hỗ trợ doanh nghiệp như tài khóa… Ngân hàng cũng đang sửa Thông tư 16 về vấn đề trái phiếu. Đây là thị trường huy động vốn trung dài hạn của doanh nghiệp, phần nào giảm bớt áp lực đối với thị trường tiền tệ. Bởi không ai gửi tiết kiệm 2 - 5 năm, trong khi cho vay trung dài hạn 5 - 10 năm. 

"Mặc dù không phải dịch Covid-19 nhưng căn cứ vào những khó khăn, doanh nghiệp tồn kho nên chúng tôi đang trình giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ sớm công bố gói 120.000 tỉ đồng đối với bất động sản về hỗ trợ lãi suất", ông Đào Minh Tú cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.