Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu bổ sung vốn lưu động, khách hàng là các doanh nghiệp SME sẽ được giảm ngay 1%/năm lãi suất với các khoản vay tín chấp, và 0,5%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Thời gian áp dụng chương trình giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ 1.8 và kéo dài đến hết năm 2019. Với việc giảm lãi suất lần này, VPBank kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khơi thông nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay.
Trao đổi với Thanh Niên, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê thông tin, SHB đã sẵn sàng cho việc giảm lãi suất theo mặt bằng chung của cả hệ thống. Việc này sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, tuy nhiên, đó là sự chia sẻ với các doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Mức hạ lãi suất cũng sẽ dao động từ 0,5-1%/năm theo mặt bằng chung của hệ thống”, ông Lê khẳng định.
Trước đó, một loạt các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV… cũng công bố cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm. Kỳ hạn là các khoản vay ngắn dưới 6 tháng, tập trung vào các đối tượng khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: tam nông, công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 4,5 - 6%/năm.
Với mức giảm 0,5-1%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ được kéo xuống thấp nhất 5%/năm. Đây là mức lãi suất khá cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bình luận (0)