Nhà băng chia hàng chục ngàn tỉ đồng cổ tức
Mùa đại hội cổ đông năm nay, ngoài kế hoạch lợi nhuận, doanh thu thì nhiều nhà băng cũng mạnh tay đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cụ thể, cổ đông ACB mới đây đã thông qua phương án tăng vốn từ 21.615 tỉ đồng lên 27.019 tỉ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thông qua chia cổ tức tỷ lệ 25%. Cổ đông SeABank cũng đã nhất trí thông qua phương án tăng vốn từ 12.087 tỉ đồng lên 15.238 tỉ đồng qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không thua kém, "ông lớn" BIDV cũng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 40.220 tỉ đồng lên 48.524 tỉ đồng. Mức vốn tăng thêm 8.304 tỉ đồng được nhà băng này thực hiện qua hình thức chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 5,2%, tương đương hơn 2.073 tỉ đồng; chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 là 7%, với giá trị hơn 2.815 tỉ đồng; chào bán cổ phần bằng hình thức phát hành ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ hơn 3.415 tỉ đồng, tương ứng 8,5% số cổ phần đang lưu hành; phát hành cổ phần cho cán bộ công nhân viên khi cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
VIB, cổ phiếu đứng đầu bảng xếp hạng tăng nóng hiện nay, dự kiến dùng hơn 4.437 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để tăng quy mô vốn lên tối đa là hơn 15.531 tỉ đồng, tương ứng số cổ phần tăng thêm là trên 443 triệu đơn vị. Sau đó, chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ hơn 15.997 tỉ đồng.
Một số nhà băng chưa tổ chức đại hội nhưng tài liệu công bố cũng đã lên phương án tăng vốn khá mạnh. Chẳng hạn, MB trình cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 10.688 tỉ đồng trong năm 2021, lên 38.675 tỉ đồng bằng trả cổ tức tỷ lệ 35%, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Hay OCB cũng dự kiến tăng vốn lên gần 14.450 tỉ đồng từ mức 10.959 tỉ đồng hiện nay qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu 25%, phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.
Chứng khoán "chơi lớn"
Không chỉ ngân hàng, các công ty chứng khoán cũng ồ ạt lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn trước sức nóng của thị trường chứng khoán. Thực tế, chứng khoán Việt Nam trải qua một quý đặc biệt khi có tới 3 lần chạm mốc 1.200 điểm. Nhưng trong quý 1, VN-Index cũng chứng kiến pha giảm điểm lịch sử với 73,23 điểm - tương ứng 6,67% - xuống 1.023,94 điểm, mức giảm mạnh nhất lịch sử. Tuy nhiên ngay sau đó VN-Index nhanh chóng hồi phục và chinh phục các mức lịch sử như nói trên.
Sức nóng của chứng khoán chính là một trong những lý do quan trọng trong cuộc đua tăng vốn trên thị trường này. Mục đích huy động vốn điều lệ của các công ty chứng khoán nhằm mở rộng năng lực cho vay ký quỹ của khách hàng, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác của công ty. Số lượng phát hành cổ phiếu từ các công ty chứng khoán sẽ tăng 50 - 100% so với lượng cổ phiếu trước khi phát hành. Đơn cử Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa mới lấy ý kiến cổ đông việc phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị hơn 1.525 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, mức giá chào bán 14.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự thu từ đợt phát hành cổ phiếu là 2.135 tỉ đồng sẽ được phân chia bổ sung hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ 1.495 tỉ đồng, bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán là 427 tỉ đồng, bổ sung vốn hoạt động tự doanh hơn 213 tỉ đồng. Vốn điều lệ của HSC sau khi phát hành sẽ lên hơn 4.583 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán VNDirect phát hành thêm tối đa hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua 1:1, thu về hơn 2.204 tỉ đồng. Công ty này dự kiến tăng vốn lên 4.400 tỉ đồng từ mức hiện tại 2.145 tỉ đồng. Công ty chứng khoán Đà Nẵng (DSC) cũng mới lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược 94 triệu cổ phiếu, tương ứng 940 tỉ đồng, vốn điều lệ tăng từ 60 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự kiến phát hành thêm 900.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với tổng mệnh giá 9 tỉ đồng, với mức giá dự kiến 15.000 đồng/cổ phần....
Công ty CP chứng khoán SSI dự báo cả năm 2021 lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng giảm. Đây là lý do giá cổ phiếu của ngành này tăng khá mạnh thời gian gần đây.
|
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng các ngân hàng, công ty chứng khoán khi đưa ra phương án tăng vốn là họ có cái nhìn lạc quan về sự phát triển kinh tế trong thời gian tới và đáp ứng mục đích tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Nhiều người cho rằng phát hành cổ phiếu nhiều sẽ pha loãng giá là chưa chính xác vì giá trị vốn hóa của công ty vẫn thế khi phát hành thêm cổ phiếu. Giá cổ phiếu có thể sẽ giảm khi thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng từ đó sẽ có dư địa tăng trưởng hơn.
Bình luận (0)