Có 2 lý do chính là từ trước tới nay tại VN chưa có tiền lệ cho ngân hàng phá sản và phá sản ngân hàng (NH) luôn là vấn đề nhạy cảm, bởi nó liên quan trực tiếp đến tiền gửi của người dân, sự ổn định của hệ thống vốn được coi là "huyết mạch" của nền kinh tế. Nhưng có thể khẳng định, chủ trương của Chính phủ là hết sức đúng đắn và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.
Thứ nhất, NH về bản chất cũng là một doanh nghiệp (DN), hoạt động kinh doanh có lời, có lỗ, họ tự hưởng cũng như phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. Trong những năm qua, đã có hàng trăm ngàn DN phải chấp nhận giải thể, ngưng hoạt động vì các quyết sách sai lầm, vì không thể cạnh tranh nổi thì NH, cũng đã đến lúc cần phải sòng phẳng như vậy. Trên thực tế, việc chưa thể để phá sản NH trước đây là vì vai trò và tính nhạy cảm của NH với nền kinh tế như nói trên, nhưng vô hình trung cũng trở thành "giấy bảo hành" cho cả các nhà băng hoạt động yếu kém, mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ mà vẫn được tồn tại. Và nhóm các NH này trở thành "vùng trũng", tập trung nợ xấu của cả hệ thống. Công bố mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy, nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Đặc biệt, lãi dự thu (có khả năng biến thành nợ xấu) của 9 tổ chức tín dụng đã chiếm 61,7% tổng lãi dự thu của toàn hệ thống. Đây chính là những tồn tại mà quá trình tái cấu trúc NH chưa xử lý được, bởi giải pháp mạnh nhất là cho phá sản các NH hoạt động yếu kém chưa được thực hiện. Hay nói một cách khác, sử dụng giải pháp này thì mới có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu hệ thống NH.
Thứ 2, chủ trương thí điểm phá sản các NH yếu kém là để tái cơ cấu hệ thống NH, với yêu cầu cao nhất là củng cố, bảo đảm an toàn của hệ thống và bảo vệ, đảm bảo lợi ích của người dân và người gửi tiền. Điều này đã được Chính phủ và NHNN khẳng định chắc chắn. Nghĩa là vấn đề "nhạy cảm" nhất liên quan đến túi tiền của người dân đã được giải quyết. Xét về bản chất, việc này sẽ bảo vệ người dân, bảo vệ cộng đồng DN tốt hơn, bởi về tâm lý chẳng ai muốn cất ví của mình ở chiếc tủ không chắc chắn. Hơn nữa, nếu cứ để các NH này tồn tại thì món nợ xấu, đã từng được ví là "cục máu đông", sẽ tiếp tục tồn tại, tiếp tục gây ách tắc quá trình lưu thông tiền tệ từ hệ thống NH đến các ngõ ngách nền sản xuất trong nước, khiến "cơ thể" nền kinh tế không thể vận hành khỏe mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Khi đó, nhà nước phải can thiệp bằng ngân sách, cũng là tiền thuế của người dân. Còn nếu không giải cứu sẽ gây ra bất ổn, cũng khiến quyền lợi của DN, người dân bị ảnh hưởng.
Nói thế để thấy, việc cho phá sản các NH yếu kém là cần thiết, bởi không thể vì lợi ích của một số NH mà để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, DN cũng như sự ổn định và phát triển chung.
Bình luận (0)