Ngân hàng đảm bảo dành vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý

17/02/2023 10:08 GMT+7

Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021; là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm trên 21% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có báo cáo gửi Chính phủ phục vụ Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng nay 17.2.

Nợ xấu bất động sản năm 2022 tăng hơn 10.000 tỉ đồng và đang nhích lên - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững

NHẬT BẮC

Theo NHNN, dòng vốn đầu tư trên thị trường BĐS rất đa dạng, như: nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu, vay tổ chức nước ngoài, từ chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vốn tự có.

Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021. BĐS là một trong những lĩnh vực tăng trưởng tín dụng cao nhất, chiếm tỷ trọng khoảng trên 21% tổng dư nợ của nền kinh tế (cao nhất trong 5 năm qua). Nợ xấu với BĐS năm 2022 tăng hơn 10.000 tỉ đồng; tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng nhích dần lên, đến nay là 1,72% (năm 2021 là 1,67%).

Về cơ cấu tín dụng, dư nợ tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 68% và dư nợ với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 32%.

Phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%; quyền sử dụng đất chiếm 20,6%; khu công nghiệp và chế xuất chiếm 2,67%; lĩnh vực khác là 14,48%.

Đáng chú ý, dư nợ tín dụng với nhà ở xã hội chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,71%) do thị trường BĐS còn mất cân đối cung - cầu, dư thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.

Doanh số bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của các tổ chức tín dụng từ năm 2018 tới nay khoảng 110.000 tỉ đồng.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không quản lý tốt dòng tiền

Với vai trò đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS, các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS là 79.519 tỉ đồng; giảm 17,7% so với cuối tháng 12.2021, chiếm 33% tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu tính cả đầu tư trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn và cơ cấu lại nợ, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS của toàn hệ thống đến cuối tháng 12.2022 là 117.016 tỉ đồng; chiếm tỷ trọng 48,5% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, giảm 9,8% so với cuối tháng 12.2021.

Ngành ngân hàng cho biết đã dành một lượng vốn lớn cho lĩnh vực BĐS. Tỷ trọng tín dụng BĐS từ năm 2020, 2021 đến nay luôn được duy trì ở mức 19 - 21% (năm 2020 là 19,58%; năm 2021 là 19,9%. Trong năm 2022, tỷ trọng này đã tăng lên 21,6%, cao nhất trong 3 năm qua.

Cụ thể, về tỷ lệ tăng trưởng, 3 năm qua đều có sự tăng trưởng cao (năm 2020 tăng 12,06%; năm 2021 tăng 15,37%). Năm 2022, mức tăng là 24,2% - là một trong những lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung (14,17%); trong đó, tín dụng BĐS với mục đích tiêu dùng/tự sử dụng tăng trên 30%.

Nợ xấu bất động sản năm 2022 tăng hơn 10.000 tỉ đồng và đang nhích lên - Ảnh 2.

NHNN cho rằng, các doanh nghiệp BĐS phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhưng không quản lý tốt dòng tiền

T.N

Đáng chú ý, báo cáo của NHNN cũng chỉ rõ, thời gian qua áp lực lớn đối với vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS không phải do điều hành tín dụng (NHNN không siết, không thắt chặt), mà do những khó khăn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hành để phát triển BĐS nhưng chọn điều kiện phát hành dễ, không quản lý tốt dòng tiền nên bị động khi có sự cố xảy ra.

"Ngoài BĐS, các ngân hàng thương mại còn cung ứng vốn cho ngành nghề khác tùy theo "khẩu vị" rủi ro; vì vậy, cần cân đối hợp lý, hài hòa giữa các ngành kinh tế", báo cáo của NHNN nêu rõ.

Dành vốn cho các dự án đảm bảo kế hoạch trả nợ

Về định hướng, đề xuất, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trong đó có lĩnh vực BĐS tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững.

Đặc biệt, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS...

Cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn, nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án "sân sau".

Tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để kịp thời đưa ra giải pháp, nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.