'Ngân hàng dê' dành cho người nghèo

14/03/2015 10:00 GMT+7

Mô hình cho nông dân mượn dê sinh sản để thoát nghèo của anh Nguyễn Minh Trung, Bí thư Xã đoàn Thạnh Phú Đông (H.Giồng Trôm, Bến Tre), đang được cơ quan chức năng địa phương đánh giá cao.

Mô hình cho nông dân mượn dê sinh sản để thoát nghèo của anh Nguyễn Minh Trung, Bí thư Xã đoàn Thạnh Phú Đông (H.Giồng Trôm, Bến Tre), đang được cơ quan chức năng địa phương đánh giá cao.

'Ngân hàng dê' dành cho người nghèo
 Anh Trung (bên trái) đến thăm hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê tại hộ anh Lê Văn Lá - Ảnh: Thanh Đức
Cách làm sáng tạo
Nhiều người gọi anh Trung là giám đốc “ngân hàng dê” bởi anh tiên phong đưa dê sinh sản giúp nông dân nghèo. Anh Trung cho biết: “Hơn 10 năm công tác đoàn, nhiều lần đi vận động tiền, gạo hằng tháng cho hộ nghèo, tôi nhận ra cách làm này tốt nhưng không giúp người dân được cái nghề để tự nuôi sống gia đình. Muốn thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá”. Suy nghĩ là thế nhưng phải đến cuối năm 2013, khi xin được tiền của mạnh thường quân, anh Trung mới thực hiện được ý tưởng của mình. “Lúc đầu, tôi thử giúp bà con nuôi thỏ nhưng kết quả không như mong đợi nên chuyển sang nuôi dê. Sau 1 năm hỗ trợ giống, dê đưa cho bà con nuôi đã sinh sản được 1 - 2 dê con. Sau khi dê sinh sản đến lần thứ 2 thì người nuôi phải trả lại cho “ngân hàng” một dê con để chuyển hỗ trợ hộ nghèo khác. Trong quá trình xét bình chọn hỗ trợ dê, tôi phối hợp với ngân hàng chính sách thẩm định cho bà con vay 7 triệu đồng/hộ để trồng cỏ, làm chuồng và tạo sinh kế khác. Nguồn thức ăn của dê chủ yếu là lá cây nên sau 6 tháng, dê sinh sản là thu lời trọn gói”, anh Trung nói.
Anh Nguyễn Văn Mây (37 tuổi, ngụ ấp 2A, xã Thạnh Phú Đông) lập gia đình, ra ở riêng với hành trang chỉ 1.000 m2 đất trồng dừa do cha mẹ cho. Anh Mây nói: “Hằng ngày, vợ chồng tôi phải làm mướn để kiếm cái ăn và lo cho con đi học nên gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhiều lần tôi đã nghĩ tới chuyện chăn nuôi nhưng không biết nuôi con gì với lại cũng không có đủ tiền mua con giống. Khi xã đoàn xét cho được con dê giống, tôi rất mừng. Bởi nuôi dê rất dễ, mỗi chiều khi đi làm mướn về, tôi bỏ ra khoảng nửa giờ cắt cỏ, hái lá cây cho dê ăn. Sau 6 tháng nuôi, con dê đầu tay đã sinh con. Hy vọng lần sinh sản thứ hai sẽ được 2 con dê cái, khi đó nuôi cho cứng cáp tôi trả lại ngân hàng 1 con, vẫn còn lời 3 con”.
Nhờ hỗ trợ của “ngân hàng dê” mà anh Lê Văn Lá (ngụ ấp 1A, xã Tân Phú Đông) cũng dần vượt qua khó khăn. Anh Lá phân tích: “Chuyện thoát nghèo bền vững của gia đình tôi sẽ không còn xa vì với 2 con dê mẹ này, đàn dê sẽ tăng lên 6 con rồi 10 con ngay trong năm nay. Dê đực thì nuôi bán thịt, dê cái thì để lại cho sinh sản nhân đàn, thu nhập của gia đình sẽ tăng lên đáng kể”.
Nhân rộng mô hình
Thành lập được “ngân hàng dê”, anh Trung là người trực tiếp quản lý nguồn dê giống cho bà con nuôi, đồng thời bảo đảm nguồn vốn vay ngân hàng phải sử dụng đúng mục đích. Anh cũng là người có nhiệm vụ thu hồi lại một con dê con giống để chuyển cho hộ nghèo khác. Khi những hộ vay tiền ăn nên làm ra, anh Trung đề xuất với ngân hàng cho bà con tăng thêm vốn để mở rộng đầu tư. Từ 2 con dê giống cho hộ nghèo nuôi thành công, anh Trung tiếp tục vận động 14 mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng mua được 18 con nữa. Nguồn dê này đã có hộ nhận nuôi, ngân hàng chỉ giữ lại 3 con tại trại giống của Hội từ thiện Tâm Đức (xã Thạnh Phú Đông) cho sinh sản để tiếp tục cho người nghèo mượn nuôi.
“Dê sinh sản lứa đầu thường là một con nhưng sang lứa thứ hai thì đa phần là 2 con. Bình quân một con dê mẹ trưởng thành khoảng 5 triệu đồng. Dê con tách mẹ giá 3 triệu đồng/con. Nếu bà con nuôi dê thịt với thời gian 15 tháng đạt trọng lượng 35 kg/con, giá bán khoảng 120.000 đồng/kg thì thu về trên 4 triệu đồng. Nếu điều kiện phát triển thuận lợi như hiện tại thì hết năm 2015, “ngân hàng dê” xã Thạnh Phú Đông sẽ có nguồn dê giống khoảng 50 con”, anh Trung cho biết thêm.
Ông Phạm Tấn Lễ, Phó chủ tịch UBND H.Giồng Trôm, cho biết: “Đây là mô hình rất sáng tạo của Xã đoàn Thạnh Phú Đông nhằm giúp bà con thoát nghèo bền vững. Mô hình này đang được các đoàn thể khác học tập và nhân rộng. Ngoài việc cho mượn dê giống thì địa phương còn tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp để bà con không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.