Ngày 16.4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất 8,6%/năm. Chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng). Người mua chứng chỉ có thể thanh toán trước hạn, được chuyển nhượng cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay.
Sacombank không phải nhà băng đầu tiên phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Trước đó, SHC công bố phát hành 10.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi đợt 1 với mệnh giá tối thiểu từ 1 triệu đồng với ba kỳ hạn là 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất từ 8,2 - 8,8%/năm. Đối với chứng chỉ tiền gửi từ 2 tỉ đồng trở lên, lãi suất 8,9%/năm. Từ đầu năm, SeABank phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất từ 8,4 - 8,6%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. So với mức lãi suất tiết kiệm mà các ngân hàng này đang huy động ở các kỳ hạn 24, 36 tháng thì lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn 1,2 - 1,5%/năm.
Lý do khiến các ngân hàng chạy đua trong việc phát hành chứng chỉ thời gian qua, theo TS Bùi Quang Tín - giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, các ngân hàng đang tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn để cho vay. Mục tiêu của chứng chỉ tiền gửi là huy động số tiền lớn nhắm vào đối tượng nào đó trong thời gian ngắn nên các ngân hàng tăng mạnh mức lãi suất huy động để hút. Hơn nữa, nguồn vốn huy động từ chứng chỉ tiền gửi đối với kỳ hạn dài có tính ổn định hơn so với huy động tiết kiệm. Người gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng nhưng chưa đến hạn có thể đi rút tiền và chấp nhận mức lãi suất thấp không kỳ hạn, nhưng đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không thể rút tiền mà chỉ có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay tiền ngân hàng khi cần.
Việc các ngân hàng “bùng nổ” huy động qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi thời gian gần đây cũng nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40%, các ngân hàng tăng huy động vốn trung dài hạn mới có thể cho vay ra được.
Bình luận (0)