Ngân hàng thắng lớn
Cả 4 ngân hàng (NH) thương mại Nhà nước (nhóm big4) đều có lợi nhuận năm 2024 vượt mốc tỉ USD. Cụ thể, BIDV công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2024 đạt 30.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1,1 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. BIDV cũng tiếp tục là NH có quy mô tài sản lớn nhất với 2,7 triệu tỉ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 15,3%, tương đương trên 2,01 triệu tỉ đồng, thị phần tín dụng đạt 13,1% là các yếu tố bảo đảm cho BIDV có được khoản lợi nhuận hơn tỉ USD nói trên.
Trong "big4", Agribank cũng công bố một số chỉ tiêu sơ bộ với lợi nhuận tăng trên 8% so với năm trước, ước đạt khoảng 27.927 tỉ đồng, tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỉ đồng, tăng 10%; huy động vốn vượt 2 triệu tỉ đồng, tăng 7,5%; dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỉ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%.
Mặc dù Vietcombank không nêu rõ con số lợi nhuận cụ thể nhưng NH này cho biết vượt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận được giao, tăng 5% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 mà Vietcombank đưa ra đầu năm là 41.243 tỉ đồng. Với tăng trưởng 5%, tương đương lợi nhuận năm 2024 vào khoảng 43.300 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD). Những năm gần đây, Vietcombank luôn giữ vị trí số 1 về lợi nhuận toàn ngành. Ngoài ra, một số chỉ tiêu kinh doanh khác cũng ở mức cao như tín dụng tăng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%, nộp ngân sách gần 11.600 tỉ đồng.
Một NH big4 khác là Vietinbank cũng chưa công bố lợi nhuận năm 2024 nhưng nhà băng này cho hay kết quả kinh doanh ghi nhận vượt kế hoạch thông qua. Điều này có nghĩa lợi nhuận trước thuế NH mẹ năm 2024 của Vietinbank vượt 26.300 tỉ đồng (tương đương 1,1 tỉ USD), tăng 8,7% so với năm 2023.
Khối NH thương mại cổ phần cũng ghi nhận mức lãi cao trong năm 2024. Hết quý 3, lợi nhuận của Techcombank đã xấp xỉ tỉ USD. Đến thời điểm này, dù chưa công bố song chắc chắn con số lợi nhuận của Techcombank không khiến các cổ đông và nhà đầu tư thất vọng.
Các nhà băng khác cũng có một năm tăng trưởng tốt. Trong hội nghị với nhà đầu tư cuối tuần qua, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết đến hết năm 2024, tổng thu nhập NH năm 2024 đạt 47.400 tỉ đồng, tăng 21%, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 27.600 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9 - 10%, đạt gần 29.000 tỉ đồng. Tổng tài sản đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tín dụng tăng 25%, đạt 766.000 tỉ đồng; huy động vốn tăng 19%, đạt 800.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có một số NH có lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng như Sacombank ước đạt trên 12.700 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu đại hội đồng cổ đông giao; LPBank lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỉ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch…
Ngân hàng bảo đảm khả năng sinh lời vững chắc
Dù cải thiện nhiều nhưng đóng góp của phần dịch vụ vào lợi nhuận của các NH không sánh bằng nguồn thu từ tín dụng. Năm 2024 tăng trưởng tín dụng của toàn ngành hơn 15% đã mang lại cho các tổ chức tín dụng nhiều cơ hội. Kế hoạch năm 2025 tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, chưa kể 145.000 tỉ đồng mà 9 NH đăng ký cho vay nhà ở xã hội sẽ không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng năm. Từ đó, dự báo năm nay sẽ lại là một năm rực rỡ với ngành NH.
Lý giải về con số tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng trong bối cảnh các NH hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, thực hiện giảm lãi suất cho vay…, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng không quá ngạc nhiên khi các NH công bố lợi nhuận "khủng" trong năm 2024. Bởi các doanh nghiệp hiện phụ thuộc vào tín dụng NH với tỷ lệ cao. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số nước, chẳng hạn như Mỹ thì ngành công nghệ có lợi nhuận cao nhất. "Dù rằng trong thời gian qua, nhiều NH đã tham gia các chương trình hỗ trợ khách hàng như giảm, miễn lãi, cơ cấu nợ… nhưng đây chỉ là một phần trong lợi nhuận của họ. Trong khi đó, chỉ có tổ chức tín dụng là được phép huy động và cho vay, độc quyền về lĩnh vực này nên có lợi thế lớn", TS Huân giải thích.
Báo cáo mới đây về ngành NH của Công ty ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các NH trong danh mục phân tích sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024. Trong đó, tổng thu nhập dự báo tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao là 15,6%. "Trong khi thu nhập ngoài lãi dự báo chỉ tăng trưởng 8,5% do mảng bảo hiểm liên kết dự báo tiếp tục khó khăn. Chi phí hoạt động được kiểm soát, tăng chậm hơn tổng thu nhập, ở mức 10,8% so với cùng kỳ, giúp các NH vẫn đảm bảo khả năng sinh lời vững chắc", báo cáo viết.
Với dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH năm 2025 ở mức 15%, báo cáo phân tích: Nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%; đầu tư công được đẩy mạnh và kỳ vọng tăng vượt bậc trong giai đoạn 2026 - 2030. Kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi, làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng NH. Thêm vào đó, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi dần cùng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ lợi suất cho vay của các NH trong nửa cuối năm.
Nhu cầu tín dụng dự báo tăng
Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) mới đây công bố kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng cho biết tiếp tục giữ nguyên "không đổi" hoặc "nới lỏng" nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với tất cả các nhóm khách hàng, trong đó ưu tiên nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp. Dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2025, nhu cầu tín dụng được kỳ vọng tăng đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn. Trong 4 lĩnh vực chính được thống kê, tại kỳ điều tra này, lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao nhất trong năm 2025, theo sau là nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng, nhu cầu vay thương mại và dịch vụ; sau đó đến lĩnh vực vay phát triển nông, lâm, thủy sản.
Bình luận (0)