Tự chủ động trong tái cơ cấu, quản trị, công nghệ và đặc biệt lựa chọn ngành hàng để hỗ trợ nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 8.12 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức là một trong yếu tố sống còn để cả ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp tự tin bơi ra biển lớn, tham gia sân chơi TPP.
Ngân hàng cần chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ hơn khi tham gia sân chơi TPP - Ảnh: Ngọc Thắng |
Thách thức đổi mới
Báo cáo tại hội thảo hội nhập quốc tế, ông Đào Văn Ninh (Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế) cho biết, hiện nay VN đang có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 200 nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức trên thế giới. Không chỉ tham gia ASEAN, VN còn là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Đến nay, VN đã tiến hành đàm phán, ký kết các FTA với tư cách là một bên độc lập bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (2008); FTA Việt Nam - Chile (2011); FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (2015). “Chúng ta cũng vừa tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cơ hội và thách thức không nhỏ”, ông Ninh cho biết.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, nội dung cam kết về ngành ngân hàng tài chính trong TPP gồm các điểm chính: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường. Trong đó các tổ chức tài chính trong 12 nước được cung cấp và nhận dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường minh bạch hóa; cam kết không chạy đua phá giá tiền tệ; thành lập Ủy ban Dịch vụ tài chính của khối TPP… TS Cấn Văn Lực (Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV) cho rằng, khi TPP có hiệu lực, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm hay ngân hàng nước ngoài sẽ hoạt động tại thị trường VN thoải mái hơn. TPP sẽ tạo ra một thế hệ mới cả về ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Lực, TPP cũng có ràng buộc chặt chẽ hơn WTO ở chỗ yêu cầu minh bạch hóa ở cấp độ cao hơn, đặc biệt với DN, tổ chức thuộc nhà nước. Các ngân hàng trung ương trong TPP đã cam kết đồng thuận không phá giá đồng tiền ở biên độ cao khiến nó có thể tác động đến xuất khẩu thái quá. Các ngân hàng trung ương phải minh bạch, cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá chi tiết và cập nhật hơn (trên trang web, báo cáo...).
“Bơm” vốn cho các ngành xuất khẩu mũi nhọn
PGS-TS Tạ Lợi - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân) chỉ rõ, thách thức đối với các ngân hàng là phải gia tăng cạnh tranh và định rõ vị thế của mình trong trật tự kinh tế thế giới. Đặc biệt các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank… cũng cần rà soát và định vị rõ lĩnh vực và ngành hàng cần được hỗ trợ tài chính cho phát triển dài hạn đến 2020 và tầm nhìn 2030.
Theo chuyên gia này, các ngân hàng nên có gói tín dụng cho chương trình “DN tham gia chế biến, chế tạo sâu” và gói tín dụng “Xây dựng thương hiệu hàng nông lâm, thủy hải sản” như những gói cứu trợ bất động sản… Dành nguồn vốn thích đáng cho các DN này và xác định ngành chế biến và chế tạo là mũi nhọn trong phát triển kinh tế mới đảm bảo VN có thể trở thành trung tâm chế tạo của thế giới. Bên cạnh đó, những DN tham gia sâu vào chế biến sâu của các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp cũng cần được hỗ trợ để phát triển. “Nguồn vốn được dồn có trọng tâm và trọng điểm sẽ giúp nền kinh tế VN phát triển có chiều sâu và hội nhập kinh tế quốc tế thành công”, PGS-TS Tạ Lợi đề xuất.
Theo TS Cấn Văn Lực, vào sân chơi TPP, các ngân hàng, tổ chức cần xác định công việc có thể sẽ liên quan đến kiện tụng pháp lý nhiều hơn. Bởi WTO là biển lớn, quyền lợi trực tiếp của WTO không gắn chặt và sát sườn như trong TPP. Với các cơ quan quản lý của nhà nước, áp lực hoàn thiện và thay đổi thể chế, tư duy điều hành rất lớn. “Riêng với Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi làm thế nào để quản lý được việc cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng xuyên biên giới, ứng xử thế nào để công bằng và minh bạch giữa các ngân hàng nội và ngoại là không dễ dàng”, TS Lực lưu ý.
Bình luận (0)