Ngân hàng Lộc Phát muốn chi gần 10.000 tỉ đồng mua cổ phiếu FPT

22/09/2024 15:52 GMT+7

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam xin ý kiến cổ đông về phương án mua cổ phiếu FPT với số tiền khủng.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa bổ sung, cập nhật tài liệu họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2024. Theo đó, LPBank bổ sung thêm tờ trình xin ý kiến cổ đông về phương án góp vốn, mua cổ phần của Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT). Cụ thể, ngân hàng đề xuất sẽ đầu tư mua cổ phiếu tối đa 5% vốn điều lệ của FPT trong năm 2024 - 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi chấp thuận từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ngân hàng Lộc Phát muốn chi gần 10.000 tỉ đồng mua cổ phiếu FPT- Ảnh 1.

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam sẽ rót gần 10.000 tỉ đồng đầu tư mua cổ phiếu FPT

ẢNH: LPBANK

FPT đang có hơn 1,46 tỉ cổ phiếu lưu hành và đang có giá 135.300 đồng/cổ phiếu. Nếu mua vào tối đa 5%, tương ứng 73 triệu cổ phiếu FPT, ngân hàng Lộc Phát sẽ phải bỏ ra gần 9.900 tỉ đồng.

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam đánh giá cổ phiếu FPT có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản của ngân hàng. Tờ trình cổ đông nêu rõ: FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh vững vàng với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. FPT ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào AI, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30, đại diện cho những cổ phiếu hàng đầu, có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài trong trung hạn và dài hạn.

Về hoạt động đầu tư này, LPBank cho rằng, bên cạnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đóng vai trò trung tâm, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông. Tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tính đến hiện tại, hai cổ đông lớn nhất tại FPT là Chủ tịch Trương Gia Bình và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tỷ lệ nắm giữ lần lượt là 6,08% và 5% vốn điều lệ FPT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.