Ngân hàng Nhà nước bơm tiền, lãi suất huy động vẫn ở mức cao

28/01/2023 16:04 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua thị trường mở đã bơm ra thị trường hơn 3.600 tỉ đồng trong phiên giao dịch đầu năm. Dự báo lãi suất huy động tiết kiệm trong năm 2023 sẽ không tăng mạnh như 2022.

Trong phiên giao dịch đầu năm (27.1), 5 thành viên tham gia trúng thầu mua giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày trên thị trường mở hơn 3.633 tỉ đồng. Lãi suất của khối lượng này là 6%/năm. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhà điều hành cũng đã đưa ra thị trường hơn 11.364 tỉ đồng, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 6%/năm. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc hút mạnh tiền trên thị trường trước đó của NHNN. Từ đầu tháng 1 đến nay, NHNN đã hút lượng tiền hơn 242.300 tỉ đồng trên thị trường mở, trong khi lượng tiền bơm ra 132.922 tỉ đồng.

Lãi suất tiết kiệm đứng ở mức cao 9,5%/năm

Ngọc Thắng

Thế nhưng, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng thương mại ổn định ở mức cao. Những kỳ hạn gửi dưới 6 tháng ở mức kịch trần 6%/năm, trên 6 tháng có sự cạnh tranh khác biệt giữa từng nhà băng. Cụ thể, DongABank nhận lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất 9,35%/năm, 12 tháng lãi suất 9,5%/năm; Saigonbank kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất 9,2%/năm, 12 tháng 9,4%/năm, còn 13 - 18 tháng là 9,5%/năm, từ 24 tháng trở đi chỉ còn 9,3%/năm; Techcombank huy động tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng 9%/năm, từ 12 tháng trở đi là 9,2%/năm… Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank có mức lãi suất huy động cao nhất là 7,4%/năm từ 12 tháng trở lên.

Theo Công ty CP chứng khoán SSI, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10.2022 lên khoảng 9 - 10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14 - 15% đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm. SSI cũng đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023. Với điều kiện có sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi về trái phiếu, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, SSI cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc thì lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023. Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động có khả năng thu hẹp so với năm 2022, lần lượt ở mức 12 - 14% và 10 - 12%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.