Ngân hàng số sẽ ‘xoá sổ’ thói quen tiền mặt

14/06/2019 12:20 GMT+7

Với tiện tích nhanh gọn, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… ngân hàng số được kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Đó là nội dung đáng chú ý tại Toạ đàm truyền thông “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đặc thù” do Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư - BizLIVE.vn tổ chức sáng 14.6 tại Hà Nội.
Ngân hàng số, hiểu nôm na theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp Phát triển kinh doanh dịch vụ ngân hàng số VPBank, là các dịch vụ ngân hàng sử dụng công nghệ số. Khi sử dụng, khách hàng không cần đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể chủ động thực hiện các hoạt động mọi lúc, mọi nơi, giúp giảm thiểu phần lớn các giấy tờ thủ tục cũng như mọi giao dịch được vận hành đơn giản, tiện lợi hơn.
“Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng hiện nay là xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới để chấp nhận chuyển đổi số một cách xuyên suốt, thường xuyên; cũng như hành lang pháp lý”, ông Thắng chia sẻ.
Nói về lý do các ngân hàng phải chuyển đổi số, chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực cho biết, theo khảo sát của các tổ chức tài chính của Mỹ với 10.000 ngân hàng, 60 lãnh đạo của 41 ngân hàng thế giới, tất cả đều khẳng định đó là xu thế tất yếu.
Thứ nhất, bởi xuất phát từ kỳ vọng và mong muốn của khách hàng. Thứ 2, xu thế phát triển công nghệ thông tin vô cùng mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo (AI), internet… Thứ 3, do môi trường quản lý các ngân hàng phải tái cơ cấu, hướng tới khách hàng nhiều hơn, nhu cầu nội tại khách hàng để cạnh tranh, tồn tại.
“Nokia, Kodak đã từng là những người khổng lồ nhưng bị khai tử vì không đổi mới. Khi đổi mới tạo và ứng dụng công nghệ thế giới đã tạo ra các BigTech (doanh nghiệp công nghệ khổng lồ) như Amazone, Google…”, ông Lực dẫn chứng.

Tập trung hệ sinh thái cho khách hàng 

ngan-hang-so
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại toạ đàm Ảnh Tiêu Phong
Vấn đề hiện nay với các nhà băng, theo TS Cấn Văn Lực, bài toán đặt ra là chuyển đổi những nội dung gì, khi việc số hoá kênh phân phối, tích hợp lại từ mảng thẻ, giao dịch… hiện đang vừa thiếu, vừa thừa. 
“Theo tôi, các ngân hàng phải tự động hoá quy trình. Cung cấp sản phẩm dịch vụ trên kênh số như tiền điện tử, ví điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hoá; cho vay ngang hàng. Đặc biệt, phải có dữ liệu lớn (big data)”, TS Lực nói, và khuyến nghị các nhà băng tập trung hệ sinh thái cho khách hàng. Hiện đang có 7 - 8 ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng đi khác nhau, nhưng còn nhiều chỗ loay hoay.
Về phần thách thức, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, lớn nhất chính là niềm tin, thói quen khách hàng. “Tôi từng được tham gia buổi nói chuyện của tỉ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ông có chia sẻ rằng, trong những ngày đầu thành lập, ông đặt mục tiêu phải “phá” được thói quen cũ người dùng, xây dựng niềm tin và để làm được điều này thì phải mang lại lợi ích cho người dùng”, ông Thắng chia sẻ.
Bình luận thêm, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối ngân hàng cá nhân HDBank, cho biết về phía Ngân hàng Nhà nước cũng có những quy định để tạo niềm tin trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Năm trước, cơ quan này đã đưa ra thông tư 19, trong đó quy định khi có sự cố liên quan đến khách hàng, nếu khách hàng chủ động chứng minh bị lợi dụng thì ngân hàng sẽ phải ứng trước cho khách hàng, còn kết quả điều tra sau đó như nào thì giải quyết sau. Bảo mật cao, phản ứng nhanh sẽ tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.