Mới nhất, theo thông tin từ phía Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhà băng này tăng mạnh lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 15.4.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại VPBank lên tới 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Đối với số tiền nhỏ hơn ở kỳ hạn 36 tháng (từ 10 tỉ đến dưới 50 tỉ), lãi suất tăng từ 6,1% lên 6,7%/năm; hay số tiền dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 điểm %, lên 6,1%/năm.
Quý 1/2022, VPB là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất hệ thống, ước tính hơn 11.000 tỉ đồng. Động thái tăng lãi suất tiết kiệm càng làm cuộc đua này trở nên nóng hơn.
Ngân hàng bắt đầu đua lãi suất tiền gửi |
ngọc thắng |
Trước đó, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm kể từ đầu tháng 4. Hay ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất của MB đã tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm.
Hiện tại, khá nhiều ngân hàng có lãi suất khá cao trên 7% như: SCB, VRB, SHB, Sacombank… Mặt bằng lãi suất dài hạn trên 12 tháng cao nhất hệ thống, tuy nhiên các ngân hàng đang có xu hướng tăng lãi suất các kỳ hạn ngắn để hút được nhiều tiền hơn. CBBank ghi nhận lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên tới 6,25%/năm, SCB kỳ hạn 9 tháng 6,4%/năm.
Cá biệt, có ngân hàng đẩy mức lãi suất lên gần 8%/năm, tuy nhiên chỉ dành cho khoản tiền lớn trên 999 tỉ đồng.
Có thể nói, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất do áp lực lạm phát gia tăng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI quý 1/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Việc giữ nguyên mục tiêu dưới 4% hiện nay tương đối khó khăn, trong khi đó đã có những nhận định cho rằng vào những tháng cuối năm, trong kịch bản xấu lạm phát thậm chí có thể lên đến 7%.
Bên cạnh đó, rủi ro từ thị trường bất động sản, chứng khoán đang khiến nhà đầu tư tìm đến tiết kiệm như là một kênh trú ẩn an toàn.
Bình luận (0)