Ngân hàng tăng lãi suất huy động

05/05/2022 13:27 GMT+7

Các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động tiết kiệm ở khu vực dân cư, trong khi lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm.

Một số nhà băng tăng nhẹ lãi suất huy động 0,1 - 0,3%/năm. Cụ thể, Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lên 3,7%/năm, 6 tháng lên 4,7%/năm, 12 tháng lên 5,8%/năm và mức cao nhất 6,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm Đại Lợi của SHB kỳ hạn 13 tháng ở mức 6,5%/năm, 18 tháng lên 6,6%/năm. Lãi suất cao nhất của nhà băng này lên 7,4%/năm ở chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc cho kỳ hạn 8 năm, còn 6 năm có mức lãi 7,2%/năm…

Lãi suất tiết kiệm tiền đồng tăng nhẹ

ngọc thắng

Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng khi các nhà băng gia tăng cho vay nhanh nhưng huy động có tốc độ tăng chậm hơn. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cho vay trên 3 triệu tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 2,74% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 3,26% và chiếm 37% trong tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Trong khi đó, lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 29.4 ở kỳ hạn qua đêm giảm còn 1,37%/năm, 1 tuần xuống còn 1,58%/năm, 2 tuần còn 2,03%/năm, 3 tháng còn 2,97%/năm. Riêng 2 kỳ hạn có lãi suất tăng từ 0,1 - 0,5%/năm, đó là 1 tháng lên 2,72%/năm và 6 tháng lên 4,29%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng sụt giảm cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.