(TNO) Kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm “chuyển hướng”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định như vậy trong báo cáo dự đoán về một sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của năm 2014.
|
Trong báo cáo thường niên về kinh tế thế giới, WB cho biết các nước giàu có vẻ như “cuối cùng cũng đang chuyển hướng tránh một góc kẹt” sau cơn khủng hoảng tài chính, BBC đưa tin ngày 15.1.
Điều này được cho là sẽ giúp các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh hơn.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng “vẫn rất mong manh” do ảnh hưởng của việc Mỹ cắt giảm gói kích cầu.
Các nhà phân tích e ngại rằng biện pháp này của Mỹ có thể làm tăng lãi suất toàn cầu, vốn sẽ tác động đến luồng đầu tư của các nước đang phát triển, đồng thời sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế.
WB cảnh báo một số các quốc gia đang phát triển “có thể phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng” nếu việc cắt giảm gói kích cầu đi kèm với sự giao động của thị trường.
“Tăng trưởng (kinh tế toàn cầu) đang mạnh hơn tại các nước đang phát triển và cả nước giàu, nhưng nguy cơ suy thoái vẫn tiếp tục đe dọa sự phục hồi của kinh tế thế giới”, BBC dẫn dự báo của Tổng giám đốc WB Jim Yong Kim.
“Các nền kinh tế tiên tiến đang lấy lại đà tăng trưởng và điều này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh tại các nước đang phát triển trong những tháng sắp tới”, ông Kim phát biểu.
“Tuy nhiên, để thúc đẩy việc giảm đói nghèo, các nước phát triển sẽ cần phải thực hiện các cải cách cơ cấu để tạo nhiều việc làm, củng cố hệ thống tài chính và phúc lợi xã hội”, theo nhận định của tổng giám đốc WB.
WB dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng thêm 3,2% trong năm 2014, từ mức 2,4% của năm 2013, phần lớn là nhờ vào tăng trưởng từ các nền kinh tế phát triển.
GDP của các quốc gia đang phát triển sẽ tăng thêm 5,3% trong năm 2014, từ mức 4,8% trong năm 2013.
Trả lời phỏng vấn BBC, chuyên gia kinh tế WB Andrew Burns cho rằng Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia nằm trong số các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ cắt giảm gói kích cầu.
Nhưng chuyên gia kinh tế này cũng khẳng định những bước đầu tiên trong việc cắt giảm dần chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã không gây xáo trộn thị trường toàn cầu.
Hoàng Uy
>> WB tài trợ 250 triệu USD cải tạo giao thông 13 tỉnh phía bắc
>> WB: Tăng trưởng GDP VN có thể đạt 5,3%
>> WB và IMF khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
>> Kinh tế toàn cầu đang ở "giai đoạn nguy hiểm
>> OECD: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chấm dứt sớm hơn dự báo
Bình luận (0)