Trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 1.4, Ngân hàng Thế giới nhận định các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, nhanh hơn mức 4,4% của năm 2023, nhờ thương mại phục hồi.
Đối với Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 4,5% trong năm nay so với mức 5,2% của năm ngoái. Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ Trung Quốc là tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5%. Theo các chuyên gia, mục tiêu 5% là vừa phải để đảm bảo tăng trưởng, tạo việc làm, an sinh xã hội cũng như tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Ngân hàng Thế giới cho rằng các nỗ lực nhằm chuyển hướng đầu tư từ hạ tầng và bất động sản sang sản xuất tiên tiến có thể tạo ra sự mất cân bằng giữa năng lực sản xuất cũng như nhu cầu trong và ngoài đất nước. Dấu hiệu dư cung, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện, đã bắt đầu lan rộng từ Trung Quốc sang các nước láng giềng như Thái Lan.
Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc được cho là do niềm tin của người tiêu dùng trong nước bị suy giảm, cũng như mức nợ cao và lĩnh vực bất động sản trì trệ. Tất cả điều này đến việc di dời sản xuất và đầu tư ra khỏi Trung Quốc, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến sản xuất ở các quốc gia khác như Việt Nam và Mexico.
Trong một diễn biến khác, trong báo cáo kinh tế mới được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 đang diễn ra ở Hải Nam, Trung Quốc, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ duy trì động lực tăng trưởng mạnh với triển vọng sáng sủa. Đây cũng tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế bên ngoài và sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế châu Á năm nay dự kiến sẽ đạt 4,5% - cao hơn con số của năm 2023.
Bình luận (0)